Công ty tài chính đòi nợ: Làm sao tránh hậu quả đáng tiếc?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kiểm soát thiếu chặt chẽ dịch vụ thu hồi nợ và lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng ở mức rất cao là hai nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc đáng tiếc do dịch vụ đòi nợ gây ra.
Mức lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng phổ biến mà các
công ty tài chính áp dụng là 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay
lên đến 85%/năm
Mức lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng là 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm

Việc cấm dịch vụ thu hồi nợ và tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng là cần thiết để góp phần buộc các công ty tài chính áp dụng những cách thức thu hồi nợ bớt rủi ro cho người vay.

FE CREDIT có vô can?

Về việc một người tự vẫn với nghi vấn do liên quan đến khoản vay tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT), FE CREDIT đã phát đi thông cáo khẳng định đó là khách hàng có 2 khoản nợ quá hạn với tổng dư nợ là 51 triệu đồng tại công ty này. Ngoài ra, theo kết quả tra cứu thông tin tín dụng của khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), khách hàng này còn có nợ xấu tại 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ hơn 83 triệu đồng.

FE CREDIT cho biết, các khoản nợ xấu sẽ được chuyển cho các đối tác thực hiện việc thu hồi nợ theo thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng tín dụng, tuân thủ theo quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bình luận về phản hồi của FE CREDIT, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, về nguyên tắc, việc công ty tài chính ủy quyền cho công ty đòi nợ, thu hồi nợ thực hiện dịch vụ này trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận là đúng quy định. Việc bên thu hồi nợ làm quá đà là không lạ trong thời gian qua, chủ yếu do công tác kiểm soát hoạt động thu hồi nợ chưa được chặt chẽ.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, nếu công ty tài chính thuê công ty đòi nợ và dẫn đến hậu quả đáng tiếc thì công ty tài chính không tránh được trách nhiệm, song trách nhiệm đến đâu còn phụ thuộc vào hợp đồng cụ thể giữa các bên. Bởi lẽ, hợp đồng vay mượn giữa công ty tài chính và người vay là khởi điểm dẫn đến các quan hệ sau đó.

Thực tế thời gian qua, hoạt động thu hồi nợ đã gây bức xúc trong dư luận, cơ quan công an đã vào cuộc trấn áp với một số vụ việc được công bố. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn tiếp tục gây hoang mang với người dân.

Liên quan đến vụ việc đòi nợ của FE CREDIT đối với khách hàng vay gây bức xúc cho dư luận, ngày 26/6/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin, nếu đúng như phản ánh thì phải xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn yêu cầu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, FE CREDIT và Công ty tài chính TNHH HD SAISON, Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam phải khẩn trương rà soát toàn bộ các quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định, báo cáo kết quả thực hiện chậm nhất ngày 15/7/2020.

Tìm giải pháp lành mạnh hóa thị trường

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, bên cạnh thực tế kiểm soát hoạt động thu hồi nợ chưa đạt hiệu quả, việc công ty tài chính có thể cho vay với lãi suất siêu cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hồi nợ manh động như thời gian qua. Với lãi suất cho vay cao, công ty tài chính sẵn sàng chia phí dịch vụ với tỷ lệ phần trăm cao của món nợ thu được, phí dịch vụ cao thì các công ty đòi nợ sẵn sàng dùng nhiều cách ép nợ.

NHNN cho biết, mức lãi suất phổ biến mà các công ty áp dụng là 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm. “Lãi suất cao như vậy thì họ bất chấp rủi ro, bất chấp khả năng trả nợ của khách hàng kém để cho vay. Tỷ lệ ăn chia với công ty thu nợ cao thì nhiều nhân viên thu hồi nợ có thể quá đà với người vay”, ông Đức nói.

Trước tình trạng manh động của dịch vụ thu hồi nợ, việc đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm tại Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 là cần thiết.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, với quy định như vậy, kể từ năm 2021, các công ty tài chính sẽ phải trực tiếp thu hồi nợ. Mặt khác, các công ty này có thể sử dụng các dịch vụ pháp lý khác cho việc này như trọng tài thương mại hay các trung tâm hòa giải thương mại để hỗ trợ thu hồi những khoản nợ nhỏ và cơ quan tòa án với những khoản nợ lớn và phức tạp.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, trước hết cần tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của dịch vụ thu hồi nợ. Tiếp đó, cần tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng bằng cấp phép thêm cho các công ty đủ năng lực hoạt động, từ đó, lãi suất trên thị trường sẽ có tính cạnh tranh, vừa có lợi cho người tiêu dùng vừa góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Tin cùng chuyên mục