Coteccons và Địa ốc Hòa Bình: Hai “ông lớn” so găng

(BĐT) - Tính đến cuối quý III/2016, Địa ốc Hòa Bình đã vượt Coteccons về quy mô tổng tài sản. Tuy nhiên, con số doanh thu, lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu của Địa ốc Hòa Bình vẫn còn cách rất xa so với Coteccons.
9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Coteccons gần gấp đôi Địa ốc Hòa Bình. Ảnh: Tiên Giang
9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Coteccons gần gấp đôi Địa ốc Hòa Bình. Ảnh: Tiên Giang

Trong ngành xây dựng cũng như trên thị trường chứng khoán, khi nhắc đến Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD), người ta sẽ không bao giờ quên so sánh với Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) vì 2 doanh nghiệp từng có giai đoạn tương đương nhau về quy mô. Sau năm 2013, Coteccons bứt phá hẳn lên, nhưng Địa ốc Hòa Bình đang nhanh chóng lấy lại phong độ và cuộc đua giữa 2 “ông lớn” luôn  khiến nhà đầu tư không thể bỏ qua.

9 tháng đầu năm 2016, với sự nóng lên của thị trường bất động sản thì cả Coteccons và Địa ốc Hòa Bình đều đạt kết quả kinh doanh vô cùng khả quan. Con số doanh thu, lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu cùng đạt mức cao nhất trong lịch sử. 

Địa ốc Hòa Bình hơn Coteccons ở hạng mục nào?

Đó là tổng tài sản. Tính đến cuối quý III/2016, tổng tài sản của Hòa Bình đạt mức 10.875 tỷ đồng, vượt qua con số 9.157 tỷ đồng của đối thủ. Hồi đầu năm 2016, tài sản của Coteccons vẫn đang lớn hơn của Hòa Bình khoảng 500 tỷ đồng, 2 doanh nghiệp khi đó có tổng tài sản lần lượt là 7.815 tỷ đồng và 7.291 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phải thấy rằng Hòa Bình vượt Coteccons trong hạng mục này bởi sự tăng lên của nợ phải trả.

Cụ thể, tính đến cuối quý 3/2016, nợ phải trả của Hòa Bình đã lên tới 9.423 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm, chiếm 87% tổng tài sản. Trong đó, vay nợ ngân hàng (cả dài hạn và ngắn hạn) gần 2.870 tỷ đồng. Việc nợ phải trả tăng nhanh và mạnh là điều không khó hiểu đối với một doanh nghiệp xây dựng lớn liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu lớn như Hòa Bình, nhưng nhìn sang Coteccons, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản chỉ là 56% và hoàn toàn không có vay nợ ngân hàng.

Trong năm, Coteccons đã tăng vốn điều lệ thêm 12% lên 492 tỷ đồng thông qua thưởng cổ phiếu và phát hành ESOP. Hòa Bình cũng tăng vốn điều lệ từ 756 tỷ đồng lên 944 tỷ đồng (tăng 25%) bằng cách thưởng cổ phiếu tỷ lệ 10% và trả cổ tức bằng cổ phiếu. Việc này càng nới rộng khoảng cách về vốn điều lệ giữa 2 doanh nghiệp, nhưng với nguồn thặng dư vốn cùng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vượt trội, Coteccons có vốn chủ sở hữu lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, lớn gấp gần 3 lần đối thủ. Đó cũng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp này không cần phải vay nợ. 

Kết quả kinh doanh chênh lệch

Sự phát triển của 2 “ông lớn” này cho thấy, nhà thầu Việt giờ đã đủ sức tham gia vào các siêu dự án, lâu nay vẫn là sân chơi của nhà thầu ngoại
Mặc dù quy mô tài sản đã vượt qua Coteccons nhưng doanh thu, lợi nhuận của Hòa Bình lại thấp hơn nhiều.

9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Hòa Bình đạt hơn 7.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ 2015. Lợi nhuận ròng còn vượt trội hơn nữa khi đạt 320 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã vượt 25% kế hoạch cả năm và có thể khiến cổ đông của Hòa Bình hài lòng. Nhưng như vậy là chưa đủ nếu đặt cạnh Coteccons. Trong vòng 9 tháng, doanh thu của Coteccons là 13.462 tỷ đồng, tức gần gấp đôi của Hòa Bình, còn lợi nhuận sau thuế là 961 tỷ đồng. Doanh nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 64% và 114% so với cùng kỳ 2015.

Ngoài ra, chi phí tài chính của Coteccons không đáng kể, chỉ có hơn 75 triệu đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá, còn Hòa Bình phải mất hơn 100 tỷ đồng chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay.

Cùng với kết quả kinh doanh nói trên, giá cổ phiếu CTD và HBC đều tăng trưởng mạnh mẽ và vươn lên mức giá cao nhất lịch sử. CTD đã tăng ròng rã từ đầu năm 2016 cho đến tháng 8 và trước khi điều chỉnh giá do phát hành cổ phiếu, CTD từng là cổ phiếu có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán. Về phần HBC, dù xuất phát chậm hơn nhưng cũng tăng gấp đôi trong thời gian 3 tháng từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2016 và hiện giờ đang tích lũy quanh mức giá 30.000 đồng/CP.

CEO Lê Viết Hải của Hòa Bình nhiều lần phải thừa nhận sự tụt hậu so với đối thủ mặc dù trên thương trường, thương hiệu Hòa Bình hay Coteccons đều uy tín không kém cạnh nhau.

Dù sao đi nữa, cả Hòa Bình và Coteccons đều đã ghi nhận một phong độ xuất sắc trong 9 tháng đầu năm nay. Nếu như Coteccons tự hào tuyên bố chiến thắng trong siêu dự án The Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam (do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư), thì ngay sau đó, Hòa Bình cũng vui mừng công bố đã hợp tác toàn diện với Tập đoàn Sun Group và trúng thầu một siêu dự án khác là Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay tại Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư. Và nói một cách lạc quan thì sự phát triển của 2 “ông lớn” này cho thấy, nhà thầu Việt giờ đã đủ sức tham gia vào các siêu dự án, lâu nay vẫn là sân chơi của nhà thầu ngoại.

Tin cùng chuyên mục