“Cửa rộng” cho thu hút nguồn vốn tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật PPP trong Luật sửa đổi 4 Luật được kỳ vọng sẽ mở rộng tối đa không gian thu hút vốn tư nhân đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng dịch vụ công với chất lượng tốt hơn của nhân dân.
Luật PPP được sửa đổi theo hướng bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức PPP trong từng dự án cụ thể. Ảnh: Lê Tiên
Luật PPP được sửa đổi theo hướng bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức PPP trong từng dự án cụ thể. Ảnh: Lê Tiên

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5, lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn gửi tới Thủ tướng Chính phủ một số câu hỏi. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group đặt câu hỏi về những chiến lược dài hạn khuyến khích hợp tác công tư để có thể tạo thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho những ngành công nghiệp mũi nhọn.

Trước đó, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) đề xuất thể chế hóa, với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; có cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng thuộc dự án PPP nhằm kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch tiềm năng nhưng còn khó tiếp cận…

Khẳng định một lần nữa kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, sửa đổi các luật, đặc biệt là Luật PPP, khuyến khích trao đổi, hợp tác giữa các thành phần kinh tế với nhau, giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước trên tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành. Việc sửa đổi một số quy định tại Luật PPP được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt để tháo gỡ nhanh vướng mắc thực tiễn, thu hút tối đa nguồn lực tư nhân cho phát triển, nguồn vốn nhà nước chỉ là vốn mồi.

Nhiều nội dung sửa đổi của Luật PPP đã được đưa ngay vào Luật sửa đổi 4 Luật, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 khai mạc tháng 10 này. Tại Dự thảo mới nhất, tinh thần thu hút tối đa nguồn lực tư nhân qua phương thức đầu tư PPP được thể hiện rất rõ.

Trong đó, các giới hạn về lĩnh vực, quy mô đầu tư PPP đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất sửa đổi theo hướng cởi mở nhất để đa dạng hóa các lĩnh vực có tiềm năng và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thu hút đầu tư PPP của một số ngành, địa phương. Cụ thể, sửa đổi Điều 4 Luật PPP theo hướng không hạn chế lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự án PPP được khuyến khích thực hiện đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Đồng thời, bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức PPP trong từng dự án cụ thể.

Những quy định được bổ sung khi sửa đổi Luật PPP được đại diện các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư đánh giá có thể tháo gỡ cơ bản khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Ảnh: Lê Tiên
Những quy định được bổ sung khi sửa đổi Luật PPP được đại diện các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư đánh giá có thể tháo gỡ cơ bản khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Ảnh: Lê Tiên

Đánh giá tác động đề xuất sửa đổi này, Bộ KH&ĐT nhận định, đối với Nhà nước và doanh nghiệp, sửa đổi theo hướng này sẽ đáp ứng mục tiêu thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách. Việc bỏ hạn mức tối thiểu giúp tạo tính chủ động, linh hoạt cho các bộ, ngành, địa phương khi lựa chọn dự án để áp dụng phương thức đầu tư PPP, đặc biệt là các dự án quy mô nhỏ, có tiềm năng. Tuy nhiên, cũng có lo ngại việc không hạn chế lĩnh vực có thể dẫn đến tình trạng nguồn lực đầu tư bị phân tán, không phát huy được hiệu quả đầu tư.

Ngoài bỏ giới hạn lĩnh vực, quy mô, Dự thảo Luật khôi phục lại hình thức hợp đồng BT để huy động thêm nguồn lực từ tư nhân, từ đất đai cho đầu tư phát triển; hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu nhưng với cách làm mới, rút kinh nghiệm từ những bài học cũ, để hài hòa lợi ích của người dân - Nhà nước - nhà đầu tư.

Bên cạnh đó là các chính sách hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP như xem xét sửa đổi quy định về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP; nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu. Đây là những vấn đề mà nhà đầu tư rất quan tâm, phản ánh nhiều trong thời gian qua. Những sửa đổi tại Dự thảo Luật nhằm thúc đẩy tính khả thi của cơ chế, hấp dẫn và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Dự thảo Luật cũng đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó bổ sung quy trình, thủ tục rút gọn và đơn giản hóa nội dung các báo cáo tiền khả thi, khả thi đối với 3 nhóm dự án PPP: dự án quy mô nhỏ không sử dụng vốn nhà nước; dự án O&M; dự án BT không yêu cầu thanh toán; cho phép thực hiện đồng thời một số thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.

Nhiệm vụ rất quan trọng khác khi sửa đổi Luật PPP được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Ghi nhận tại các hội thảo lấy ý kiến cho thấy, những quy định tại Dự thảo Luật liên quan đến tháo gỡ về thanh, quyết toán phần lãi vay sau giai đoạn xây dựng đối với dự án BT thanh toán bằng tiền; việc áp dụng Luật PPP đối với dự án PPP ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành; thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp hợp đồng BT đã được ký kết nhưng có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng… được đại diện các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư đánh giá có thể tháo gỡ cơ bản nhiều vướng mắc, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển hạ tầng.

Tin cùng chuyên mục