Đa dạng loại hợp đồng để tăng sức hút cho PPP giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, đa phần các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thực hiện theo loại hợp đồng BOT, BT. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn hẹp, muốn đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, phương thức PPP tiếp tục được xem là giải pháp quan trọng.
Sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải khoảng 358 nghìn tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khả năng cân đối nguồn lực. Ảnh: Lê Tiên
Sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải khoảng 358 nghìn tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khả năng cân đối nguồn lực. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần đa dạng hơn trong việc áp dụng loại hình hợp đồng cho các dự án PPP giao thông để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội chốt ở mức 2,75 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nhu cầu vốn của các bộ, ngành, địa phương lên tới 3,5 triệu tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 1 triệu tỷ đồng. Sau khi rà soát, xác định các trọng tâm ưu tiên đột phá, sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT khoảng 358 nghìn tỷ đồng. Bộ GTVT nhận định, nhu cầu đầu tư lớn hơn rất nhiều so với khả năng cân đối nguồn lực.

Với sự thiếu hụt này, PPP vẫn được xác định là phương thức quan trọng để bù đắp nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, dự án PPP giao thông theo hợp đồng BOT chững lại, nhiều dự án khó thu hút vốn, phải chuyển sang đầu tư công. Một trong những vướng mắc lớn nhất đối với dự án BOT giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc quy mô lớn là nhà đầu tư trong nước không huy động được nguồn vốn, còn nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà do lo ngại nhiều rủi ro. Còn hợp đồng BT theo Luật PPP chính thức ngừng áp dụng từ 1/1/2021 đối với dự án mới.

Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, từ khi triển khai thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông đến nay, các dự án chủ yếu thực hiện theo loại hợp đồng BOT, BT, một vài dự án BOO và BOT kết hợp BT. Bên cạnh hợp đồng BOT, BT, pháp luật về PPP của Việt Nam còn quy định nhiều loại hìnhhợp đồng khác, trong đó, loại hình hợp đồng được áp dụng khá nhiều cho các dự án giao thông tại một số quốc gia là BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao).

Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Monitor Consulting, công ty tiên phong trong dịch vụ tư vấn PPP và phát triển các dự án hạ tầng tại Việt Nam chia sẻ, với khung pháp lý về PPP hiện nay, cấu trúc hợp đồng BLT phù hợp với “khẩu vị” của nhà đầu tư và các bên cho vay quốc tế trong bối cảnh Nhà nước không bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án. Việc thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nguồn vốn vay thương mại nước ngoài sẽ giúp dự án không phụ thuộc vào nguồn vốn hạn hẹp của các ngân hàng trong nước. So với đầu tư công, dự án BLT không cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước lớn ngay lập tức, giảm áp lực lên trần nợ công, qua đó, cho phép Nhà nước triển khai nhiều dự án có quy mô lớn cùng một lúc trong điều kiện ngân sách hạn hẹp trong ngắn hạn…

BLT là loại hợp đồng có nhiều ưu việt nhưng chưa áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Theo một chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất là do vướng mắc về nguồn vốn thanh toán vì đa số dự án PPP giao thông có thời gian hoàn vốn dài trên 10 năm, nhưng nguồn vốn đầu tư công bố trí theo kế hoạch hàng năm (trước Luật Đầu tư công 2014) và trung hạn 5 năm.

Để tháo gỡ, trường hợp sử dụng hoàn toàn vốn đầu tư công để thanh toán, Khoản 4 Điều 74 Luật PPP đã quy định: “… Căn cứ thời hạn hợp đồng dự án PPP, phần vốn đầu tư công được tiếp tục bố trí trong các kỳ trung hạn tiếp theo”. Đồng thời, Dự thảo mới nhất Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP vừa được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ quy định một trong các nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công trong dự án PPP bao gồm: “Phần vốn phải bố trí theo tiến độ hợp đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP trong trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BTL, BLT dự kiến thực hiện vượt quá phạm vi 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về PPP nhận định, với hợp đồng BLT, để đồng bộ trong thanh toán, giảm rủi ro vi phạm nghĩa vụ thanh toán của phía Nhà nước, phương án khả thi nhất là thanh toán cho doanh nghiệp dự án chỉ từ 1 nguồn vốn đầu tư hoặc vốn chi thường xuyên; việc bố trí nguồn để thanh toán sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định tại bước quyết định chủ trương đầu tư. Việc chi trả này không phân tách chi phí đầu tư và chi phí thường xuyên cho vận hành của một dịch vụ khi xác định nghĩa vụ chi trả của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục