Việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Tiên Giang |
Nghị định tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo phương thức PPP, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiệm cận dần với thông lệ quốc tế nhằm tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án.
Theo Bộ KH&ĐT, Luật PPP được ban hành đã tạo một khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài, ổn định hơn cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Đối với một số quy định cần chi tiết, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều tại Luật, gồm 18 nội dung. Theo phân công tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020, 18 nội dung này được phân chia quy định tại 3 nghị định, gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP; Nghị định quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP; Nghị định quy định về cơ chế tài chính dự án PPP. Trong đó, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng nghị định thứ nhất và thứ hai.
Tại Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 10/10/2020, Chính phủ chỉ đạo: “Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết luật theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Bộ KH&ĐT đã gộp nội dung của 2 dự thảo nghị định được giao thành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng Nghị định nhằm mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công. Nghị định tuân thủ quy định của Luật PPP, chỉ hướng dẫn những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước. Phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP và hướng dẫn thi hành Luật PPP về lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án PPP; hội đồng thẩm định dự án PPP, tư vấn thẩm tra, chi phí thẩm tra và thẩm định dự án PPP; các nội dung trong chuẩn bị dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; xác nhận hoàn thành và chuyển giao công trình, hệ thống hạ tầng, chấm dứt hợp đồng dự án PPP; xử lý tình huống, xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP; kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP và điều khoản thi hành.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định kèm theo 5 phụ lục, là các mẫu lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án; hướng dẫn nội dung về khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư; hướng dẫn lập hợp đồng mẫu đối với dự án PPP.
Theo Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, đa phần các dự án trong lĩnh vực giao thông thực hiện theo phương thức PPP thời gian qua có tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Còn đối với dự án BOT điện, trong 18 dự án được tổng kết, quy mô tổng mức đầu tư của các dự án đều trên 45.000 tỷ đồng.
Tiếp tục duy trì định hướng tập trung nguồn lực vào các dự án có quy mô đủ lớn, có sức lan tỏa; căn cứ kết quả làm việc với các bộ, ngành, địa phương và số liệu thống kê thực tiễn, Dự thảo Nghị định quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (hạ tầng cứng) áp dụng hạn mức 1.500 tỷ đồng; hạ tầng xã hội (hạ tầng mềm) áp dụng hạn mức tại Luật PPP là 100 hoặc 200 tỷ đồng.