Minh bạch cơ chế quản lý tài chính dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư - nghị định thứ ba hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến. Đây là dự thảo nghị định hướng dẫn nội dung rất quan trọng đối với dự án PPP, được cộng đồng nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, trông chờ.
Nguồn để Nhà nước thực hiện chia sẻ phần giảm doanh thu của dự án PPP là dự phòng ngân sách trung ương hoặc dự phòng ngân sách địa phương. Ảnh: Lê Tiên
Nguồn để Nhà nước thực hiện chia sẻ phần giảm doanh thu của dự án PPP là dự phòng ngân sách trung ương hoặc dự phòng ngân sách địa phương. Ảnh: Lê Tiên

Trình tự thực hiện chia sẻ tăng, giảm doanh thu

Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP (gọi tắt là Dự thảo Nghị định) tập trung vào 4 nội dung chính: quy định phương án tài chính dự án PPP; quy định việc quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán vốn nhà nước trong dự án PPP; quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành; quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Một trong những quy định mới nhận được sự quan tâm nhiều nhất của nhà đầu tư là cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu dự án PPP. Về nội dung này, Dự thảo Nghị định quy định, đối với doanh nghiệp dự án PPP, phần doanh thu tăng mà doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước theo quy định tại Luật PPP được tính là khoản giảm doanh thu trực tiếp của doanh nghiệp dự án PPP. Doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm nộp phần doanh thu tăng mà doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Phần doanh thu giảm mà Nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp dự án PPP được tính là khoản doanh thu khác thuộc doanh thu cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp dự án PPP.

Đối với Nhà nước, phần doanh thu tăng mà doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước là nguồn thu của ngân sách các cấp (ngân sách trung ương đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư; ngân sách địa phương đối với các dự án do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư).

Luật PPP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Sẽ có 3 nghị định quy định chi tiết thực hiện 18 nội dung tại Luật. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư. 2 dự thảo nghị định này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến rộng rãi.

Nguồn để Nhà nước thực hiện chia sẻ phần giảm doanh thu là dự phòng ngân sách trung ương hoặc dự phòng ngân sách địa phương theo nguyên tắc như đối với phần tăng doanh thu mà doanh nghiệp chia sẻ nêu trên.

Về trình tự thực hiện, Dự thảo Nghị định hướng dẫn, căn cứ doanh thu thực tế và các điều kiện quy định tại Điều 82 của Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán doanh thu thực tế. Căn cứ báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Cơ quan có thẩm quyền gửi Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu (đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư); cơ quan ký kết hợp đồng gửi sở tài chính (đối với dự án do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư). Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ; sở tài chính trình UBND cấp tỉnh để xem xét quyết định sử dụng dự phòng ngân sách thanh toán phần chia sẻ doanh thu giảm.

Điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án

Trong bối cảnh vốn tín dụng cho các dự án PPP đang rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ nhiều dự án PPP, nhà đầu tư rất quan tâm đến cơ chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để huy động vốn cho dự án PPP.

Theo Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành TPDN riêng lẻ sau khi đã ký hợp đồng dự án PPP. Việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về PPP và quy định của pháp luật về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước của công ty không phải là công ty đại chúng.

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ các điều kiện mà doanh nghiệp dự án PPP chào bán trái phiếu phải đáp ứng. Trong đó, phải tuân thủ quy định tại Điều 78 Luật PPP. Thanh toán đủ cả gốc và lãi của TPDN đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có). Phương án phát hành TPDN phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và phù hợp với phương án tài chính của dự án tại hợp đồng dự án đã được ký kết. Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng. Trường hợp doanh nghiệp dự án hoạt động chưa đủ 1 năm thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 78 Luật PPP. Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước.

Tin cùng chuyên mục