Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác tại phiên thảo luận ngày 23/5. Ảnh: Lê Tiên |
Cần những thử nghiệm mới để rộng đường phát triển
Ngày 23/5/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất các chính sách đặc thù về quản lý quy hoạch, đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, phí, lệ phí, thuế, tạo động lực cho TP. Đà Nẵng phát triển. Đồng thời đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay.
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng như tại Dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình. Đại biểu Đinh Duy Vượt - đoàn Gia Lai cho rằng, tổ chức mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng là nguyện vọng, là sự lựa chọn của nhân dân và cả hệ thống chính trị Đà Nẵng, phù hợp với dân trí, với xu thế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - đoàn Đồng Tháp cũng nhấn mạnh thực tiễn cho thấy cần có những nghiên cứu, những thử nghiệm, mô hình chính quyền và hệ thống cơ chế, chính sách mới để giúp cho các đô thị rộng đường phát triển.
Giải trình thêm về tính cần thiết có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, trong quá trình phát triển, chúng ta sẽ phát hiện ra những vấn đề đang cản trở một số địa phương, một số vùng miền nên không tránh khỏi phải bổ sung những cơ chế, chính sách khác hơn, đặc thù hơn, vượt trội hơn để tạo cho các địa phương đó hay các vùng, miền đó có điều kiện phát triển, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của mình, giải phóng được các nguồn lực, phát triển nhanh hơn và trở thành một nơi đóng góp cho ngân sách nhiều hơn, tạo động lực lan tỏa và lôi kéo được các địa phương xung quanh. Đấy là mục tiêu của chúng ta, xuất xứ của các cơ chế, chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội và bây giờ là Đà Nẵng là như vậy.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội tại sao chưa xây dựng cơ chế cho Cần Thơ và Hải Phòng, Bộ trưởng cho rằng đây là một vấn đề rất đúng và Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo lại với Chính phủ để nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản hơn trong thời gian tới, đặc biệt là bám sát vào chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới. “Trong chiến lược này, chúng ta đều xác định là các vùng động lực và các cực tăng trưởng cũng như các thành phố lớn sẽ là động lực cho phát triển đất nước. Làm thế nào để cho các vùng này, các cực tăng trưởng này có được động lực phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước thì chúng tôi sẽ bám sát vào chiến lược đó để tham mưu cho Chính phủ, báo cáo lại với Quốc hội xem có nên xây dựng một luật riêng cho các thành phố lớn hay các vùng kinh tế trọng điểm như thế hay không”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Có cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền của nhân dân
Về mô hình tổ chức chính quyền của Đà Nẵng, Chính phủ đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết là cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (ở quận, phường). Theo mô hình này, chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Cấp quận và phường không tổ chức hội đồng nhân dân mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là uỷ ban nhân dân quận và uỷ ban nhân dân phường. Do không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của hội đồng nhân dân quận và phường được chuyển lên cho hội đồng nhân dân thành phố; một số nhiệm của hội đồng nhân dân phường được chuyển lên cho uỷ ban nhân dân quận cho phù hợp.
Đa số các đại biểu thống nhất mô hình này vì phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo các nghị quyết của Trung ương, phù hợp với các luật, phù hợp với điều kiện thực tế của Đà Nẵng với một diện tích không lớn, với tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao và với một số ít quận, huyện.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý vấn đề kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị theo mô hình thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường.
Về những lưu ý này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Bộ KH&ĐT sẽ cùng cơ quan thẩm tra và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát để làm sao chặt chẽ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Thứ hai, Đà Nẵng cũng phải nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, các tổ chức để làm sao cho phù hợp với điều kiện khi chúng ta không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Đà Nẵng là một thành phố rất năng động, có nhiều tiềm năng để phát triển, là một thành phố động lực và trung tâm của duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, cho nên Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 43 để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển.
Về mô hình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở cấp Thành phố gồm cả Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, ở quận và phường chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của chính quyền đô thị, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan. Trong đó, lưu ý cũng phải điều chỉnh và cân nhắc việc bố trí cơ cấu, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách của thành phố, tăng cường năng lực các ban của Hội đồng nhân dân thành phố để đảm nhiệm quyền hạn, nhiệm vụ mới.
Về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, có 3 nhóm chính sách.
Một, về quy hoạch thì tán thành với ý kiến tiếp thu, giải trình trong báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là chỉ cho phép là điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị của thành phố. Không đồng ý việc giao cho thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố.
Hai, về nhóm chính sách về tài chính, ngân sách, tán thành việc cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương, nếu dư ra thì để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội của TP. Đà Nẵng.
Ba, về việc giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bổ sung khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí, đồng ý với Tờ trình của Chính phủ.