Các trường đại học công lập tự chủ tài chính thường tăng nguồn thu từ việc tăng học phí, chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo |
Có tình trạng thu vượt, thu sai
Cơ chế tự chủ đại học công lập đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Tiếp đó, nhiều văn bản có liên quan được ban hành. Đặc biệt, năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được nhìn nhận là tạo điều kiện hơn cho các đơn vị thực hiện. Nhiều trường đại học lớn đã và đang thực hiện cơ chế này dù vẫn gặp một số trở ngại nhất định.
Đại học công lập tự chủ nghĩa là ngay lập tức mất nguồn thụ hưởng từ ngân sách nhà nước để chi thường xuyên. Con số này lên đến khoảng 120 tỷ đồng/năm tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Thay vào đó, các trường đại học phải bù bằng chính sách học phí được điều chỉnh theo quy định của Nhà nước và bị đòi hỏi cao hơn về chất lượng đào tạo.
Không chỉ vậy, các trường đại học công lập còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong và ngoài nước xét về việc thu hút nhân tài làm việc.
“Năm 2017, Đại học Bách khoa Hà Nội bị kéo đi 10 nhân sự xuất sắc mà không có cách nào giữ được. Những người này được mời chào với mức lương từ 80 triệu đến 150 triệu một tháng. Đây là mức lương mà chúng tôi không thể đáp ứng được và phải chấp nhận cuộc chơi”, TS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói về một trong những bất cập trong quá trình thực thi cơ chế tự chủ tại trường này. Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2011.
Về nguồn thu, dù được tự chủ thu học phí song phải đảm bảo trong khung theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí và Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về thí điểm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.
Do đó, để nguồn thu đảm bảo bù đắp đủ chi thường xuyên và chi đầu tư tại các trường đại học theo cơ chế tự chủ đòi hỏi sự cân đối không dễ dàng với các trường này.
Từ kinh nghiệm kiểm toán tại một số trường đại học công lập theo cơ chế tự chủ, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III phân tích rõ thêm những khó khăn nêu trên.
Theo đó, các trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu dẫn đến một số trường đại học công lập còn tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định về thu học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Việc tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập mới thực hiện được ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo bằng mọi cách, dẫn đến một số trường đại học công lập chất lượng sinh viên đầu vào giảm sút.
Việc tăng thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho các giảng viên mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá, hầu hết các trường chưa xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung, dài hạn để có những bước phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Còn nhiều việc phải làm
Giải quyết những bất cập nêu trên, theo TS. Lê Đình Thăng, cần phải giải quyết bài toán tự chủ đại học công lập một cách toàn diện từ cả nguồn thu và chi.
Đó là cần đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các trường đại học công lập. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa như hoạt động liên doanh, liên kết, hỗ trợ vay vốn để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất…
Việc cần làm tiếp theo là đẩy nhanh lộ trình và sớm hoàn thành việc tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ giáo dục đại học; tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo.
Bên cạnh đó, để quá trình tự chủ có hiệu quả, theo ông Thăng, nhất thiết phải hoàn thiện cơ chế chính sách như: chính sách về lao động, tiền lương, công chức, viên chức, học bổng, hỗ trợ học tập; chính sách đầu tư công, chính sách về xã hội hoá, thành lập doanh nghiệp trực thuộc… Đồng thời, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật.