Quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới các DN, tỉnh Đắk Nông gặp một số quy định, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế địa phương |
Theo Phương án tổng thế sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp thuộc tỉnh Đắk Nông, một số DN nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ được sắp xếp, đổi mới. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Măng sẽ được chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng. Các DN sẽ tiến hành cổ phần hóa là: Công ty Cà phê Thuận An; Công ty Cà phê Đức Lập; Công ty TNHH MTV Nam Nung. 6 công ty TNHH MTV sẽ giải thể gồm: Gia Nghĩa, Thuận Tân, Lâm nghiệp Quảng Đức, Lâm nghiệp Quảng Tín, Lâm nghiệp Trường Xuân và Lâm nông nghiệp Đức Lập.
Trong báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 7/5/2020, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, đã hoàn thành cơ bản việc củng cố, sắp xếp Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành và 5 công ty lâm nghiệp (Nam Tây Nguyên, Đắk Wil, Đức Hòa, Đắk N’Tao, Quảng Sơn). Đã hoàn thành chuyển đổi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Măng; cơ bản hoàn thành công tác CPH Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An và tiếp tục cổ phần hóa 2 công ty còn lại. Tỉnh Đắk Nông đang thực hiện giải thể 6 công ty TNHH MTV.
Theo tỉnh Đắk Nông, các công ty nông, lâm nghiệp có đặc thù gắn với rừng, thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do đó hoạt động sản xuất kinh doanh không đáng kể. Việc thực hiện sản xuất kinh doanh trên diện tích rừng sản xuất còn phải thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng bảo tồn gắn với việc sử dụng nhiều lao động có liên quan tới các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào, các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Do đó, khi thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp này đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới đất đai, xử lý các hợp đồng kinh tế dở dang về giao khoán, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới các DN, tỉnh Đắk Nông gặp một số quy định, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương về điều kiện, tiến độ, thời gian, xử lý tài chính…
Đơn cử, theo phương án sẽ có 6 công ty TNHH MTV làm ăn không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài nên bị giải thể. Tuy nhiên, khi đối chiếu với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 172/2013/NĐ-CP thì một số công ty không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện giải thể.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được sắp xếp giải thể cũng gặp khó khăn khi thực hiện chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên nên gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn thu từ rừng mà chỉ được ngân sách hỗ trợ. Do vậy, không có khả năng thanh toán lương, nộp các khoản trích nộp theo lương cho người lao động… dẫn đến các khoản nợ ngày càng phát sinh tăng dần. Tài sản bán thanh lý cũng có giá trị thu hồi thấp. Điều này dẫn đến kinh phí giải thể không đủ khi nguồn thu không đủ bù đắp chi phí và thanh toán các khoản nợ.
Trải qua nhiều thời kỳ chuyển đổi, sắp xếp và nhiều người quản lý, công tác lưu trữ hồ sơ còn hạn chế nên vấn đề nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu ban đầu, chi phí ngân sách cấp và tiền khai thác rừng được để lại (vốn tạo rừng) còn nhiều khoản tiền được theo dõi, nguồn gốc hình thành phức tạp.
Trên cơ sở những vướng mắc thực tiễn trong quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương sớm tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi bất cập trong các quy định liên quan đến điều kiện giải thể doanh nghiệp. Trường hợp các DN khi thực hiện sắp xếp, đổi mới không đủ điều kiện giải thể, điều kiện để cổ phần hóa thì thực hiện chuyển sang các hình thức khác.
Đối với nguồn kinh phí khi giải thể các doanh nghiệp thua lỗ, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để Tỉnh sử dụng số tiền còn dư của Hội đồng giải thể các công ty nông, lâm nghiệp (sau khi đã chi trả hết các khoản nợ) để chi cho công tác giải thể và thanh toán cho chủ nợ của Hội đồng giải thể các công ty khác mà số thu không đủ so với số chi hợp pháp.
Tỉnh cũng đề xuất, trên cơ sở kết quả diện tích rừng sản xuất thực tế và kết quả xác định, phân loại rừng tại từng công ty, Thủ tướng xem xét, thống nhất cho địa phương thực hiện việc xác định lại giá trị rừng theo thực tế để điều chỉnh vốn chủ sở hữu cho sát với tình hình thực tế sản xuất kinh doanh tại các DN này.