Trong 2 năm qua có gần 100 dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất chỉ định nhà đầu tư vì chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Ảnh: Lê Tiên |
Đằng sau nhiều danh sách ngắn dạng này là những câu chuyện mà nhìn vào người ta có thể chép miệng: “Thảo nào mà sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư trúng”.
Ngày 27/6/2016, Sở Giao thông vận tải Bình Phước có Quyết định phê duyệt danh sách ngắn Dự án Đầu tư xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước theo hình thức BOT. Cái tên duy nhất trong danh sách ngắn là Công ty CP BOT đường Đồng Phú - Bình Dương.
Sẽ không có gì đáng nói nếu đằng sau danh sách ngắn này không có câu chuyện dự án gần 1.500 tỷ đồng này đã được khởi công từ trước đó khoảng 2 tháng. Ngày 25/4/2016, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước đã tổ chức khởi công Dự án đúng ngày thông báo mời sơ tuyển được công bố, đồng nghĩa dự án này khởi công và có nhà đầu tư ngay từ khi chưa có kết quả sơ tuyển. Và có sự trùng hợp là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước cũng là cổ đông chính của Công ty BOT đường Đồng Phú - Bình Dương, nhà đầu tư duy nhất tham gia và trúng sơ tuyển Dự án sau đó.
Ở một dự án khác, đằng sau danh sách ngắn với duy nhất một nhà đầu tư là những kế hoạch rất cụ thể đã được chính nhà đầu tư này công bố trước khi sơ tuyển gần 1 năm. Dù ngày 17/4/2017, Công ty CP Bid Group mới chính thức được phê duyệt là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án Xây dựng, chỉnh trang Khu tập thể 4-5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình theo hình thức BT, nhưng từ trước khi đề xuất dự án BT này được phê duyệt vào tháng 9/2016, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, từ tháng 5/2016, lãnh đạo Bid Group đã cho biết dự kiến thực hiện dự án BIDHomes Eden Gardens tại khu đất đối ứng cho dự án BT với những kế hoạch rất chi tiết như thể họ đã là nhà đầu tư Dự án.
Đằng sau cái tên duy nhất trong danh sách ngắn Dự án Xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu (tỉnh Bắc Giang) đầu tư theo hình thức BT trị giá hơn 1.163 tỷ đồng lại là một câu chuyện khác. Cái tên duy nhất này là Công ty TNHH Xây dựng Tân Thịnh – một nhà thầu không còn xa lạ tại Bắc Giang. Tân Thịnh trúng thầu rất nhiều dự án lớn nhỏ ở tỉnh nhà, thậm chí đã từng dính nghi án thông thầu, được chủ đầu tư ưu ái tại một dự án khá lớn.
Ở một số dự án khác, câu chuyện phía sau là những hồ sơ mời sơ tuyển dự án BT mông lung về phương án hoàn vốn, là những lời hứa hẹn, cam kết từ trước của lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư, là những dự án dường như cố tình được ấn định cho nhà đầu tư đã nhắm trước… Thậm chí, có những cái tên trong danh sách ngắn dự án hàng chục, hàng trăm tỷ đồng không khiến người ta hoài nghi về năng lực hay kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.
Những câu chuyện ấy phần nào lý giải cho việc vì sao các nhà đầu tư khác không dám liều lĩnh chen chân tham gia sơ tuyển dẫn đến danh sách ngắn chỉ có 1 nhà đầu tư và cũng khiến dễ dàng đoán trước cái tên duy nhất sẽ vào danh sách ngắn.
Theo quy định hiện hành, việc sơ tuyển nhà đầu tư được thực hiện trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư để xác định các nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của dự án và mời tham gia đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu theo quy định. Khi chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển, chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển thì được chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Như vậy, trong đa số trường hợp, bước sơ tuyển là rất quan trọng để quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Việc kết quả sơ tuyển gần 100 dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất được công bố trong 2 năm qua chỉ có 1 nhà đầu tư trúng là điều cần lưu ý, bởi vì sau đó các dự án này sẽ được chỉ định, tính cạnh tranh trong đấu thầu không cao và có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.