Đánh giá ngược trong đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Khi những ưu thế của đấu thầu qua mạng (ĐTQM) được phát huy, sẽ có những gói thầu thu hút được hàng trăm nhà thầu tham gia. Điều này đặt bên mời thầu (BMT) trước áp lực thời gian trong đánh giá hồ sơ dự thầu. 
Quy trình đánh giá ngược là giải pháp được nghiên cứu nhằm giải quyết áp lực cho bên mời thầu khi gói thầu có hàng trăm nhà thầu tham gia. Ảnh: Lê Tiên
Quy trình đánh giá ngược là giải pháp được nghiên cứu nhằm giải quyết áp lực cho bên mời thầu khi gói thầu có hàng trăm nhà thầu tham gia. Ảnh: Lê Tiên

Quy trình đánh giá ngược đang là một trong những giải pháp được nghiên cứu nhằm giải quyết áp lực này cho bên mời thầu.

Làm gì với gói thầu có hàng trăm nhà thầu tham dự?

Ở những quốc gia đã phát triển tương đối hoàn chỉnh hệ thống ĐTQM, số lượng nhà thầu (NT) tham dự mỗi gói thầu có thể lên tới hàng trăm NT. Đơn cử tại Malaysia, theo kết quả khảo sát của Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng NT tham gia dự thầu đối với các gói thầu xây lắp trung bình khoảng 100 NT.

Theo lộ trình thực hiện ĐTQM giai đoạn 2016 -2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu ĐTQM được thực hiện một cách hiệu quả thì trong tương lai không xa, số lượng NT tham dự mỗi gói thầu sẽ gia tăng gấp bội nhờ những ưu thế vượt trội trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu (HSMT), thuận lợi trong quá trình tham dự thầu của NT. Khi đó, các BMT sẽ sử dụng phương pháp nào để đánh giá số lượng hồ sơ dự thầu (HSDT) lớn mà vẫn đảm bảo sự chính xác và không kéo dài thời gian đánh giá HSDT?

Bộ KH&ĐT đang tham vấn ý kiến của các BMT, NT về việc áp dụng quy trình đánh giá ngược đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá theo phương pháp giá thấp nhất. Theo đó, căn cứ vào biên bản mở thầu, BMT chọn NT có giá thấp nhất để đánh giá HSDT theo các bước: đánh giá về kỹ thuật; đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; đánh giá về tư cách hợp lệ của NT. Nếu NT có giá dự thầu thấp nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, năng lực và kinh nghiệm, tư cách hợp lệ thì mời vào thương thảo hợp đồng; trường hợp NT có giá thấp nhất không đáp ứng thì BMT tiếp tục đánh giá NT có giá thấp thứ 2 theo các bước nêu trên. 

Nghiên cứu kỹ để áp dụng

Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý đấu thầu thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM Dương Quý Tùng, quy trình đánh giá ngược đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được quy định trong mẫu HSMT ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BKHĐT quy định phương pháp này áp dụng đối với tất cả các NT đều chào hàng không có ưu đãi hoặc ưu đãi. Điều này có nghĩa rằng, đối với 1 gói thầu mua sắm hàng hóa sẽ áp dụng quy trình đánh giá ngược khi hàng hóa tham dự thầu hoặc là tất cả đều có ưu đãi hoặc tất cả đều không có ưu đãi. Nhưng thực tế, hàng hóa có áp dụng ưu đãi hay không ưu đãi lại chỉ được biết khi mở HSDT. Nhưng bây giờ nếu ngay từ ban đầu BMT phải khai báo trên mạng là áp dụng quy trình đánh giá ngược xác định giá đánh giá thấp nhất thì rất khó cho người áp dụng.

Mặt khác, ông Tùng dẫn chứng một trường hợp BMT áp dụng quy trình đánh giá ngược, khi mở thầu xong trong 4 NT tham gia, trong đó có 1 NT có giá dự thầu thấp hơn giá gói thầu, 3 NT còn lại có giá vượt giá gói thầu được phê duyệt. Khi áp dụng quy trình đánh giá ngược thì NT có giá thấp nhất bị loại vì kém năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, dẫn đến lấy NT xếp hàng thứ 2 để tiếp tục đánh giá. Nhưng NT thứ 2 lại là NT có giá vượt giá gói thầu. Theo Điều 117, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định xét thầu theo phương pháp thông thường là xem xét hết các HSDT nếu đạt kỹ thuật thì có thể cho phép chào lại giá. Tình huống xảy ra như vậy cũng không thể áp dụng quy định trên để xử lý được.

Trong khi đó, một đại diện của Kho bạc Nhà nước lại đồng tình với phương pháp này và cho rằng, nếu chúng ta sử dụng quy trình đánh giá ngược thì lựa chọn NT nào chào giá thấp nhất sẽ đánh giá ngược lại. Kết quả có thể ra 1 kết quả chung nhưng sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Sử dụng phương pháp nào, nên cho BMT lựa chọn để giảm thiểu thời gian đánh giá HSDT.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, một cán bộ đấu thầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, đánh giá ngược theo phương pháp giá thấp nhất phải được quy định tùy theo tính chất đặc trưng của gói thầu. Nếu gói thầu đơn giản thì chủ đầu tư có thể quy định phương pháp giá thấp nhất khi mở thầu. “Chúng tôi vẫn ưa thích đánh giá theo trình tự: đánh giá tư cách hợp lệ rồi mới đến năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật. Việc áp dụng phương pháp này theo các bước cụ thể thế nào thì có thể linh hoạt theo BMT quyết định” – cán bộ này đề xuất.

Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất, lường trước trường hợp gói thầu có nhiều NT tham dự, chúng ta có thể đánh giá sơ lược các nhà thầu bằng kinh nghiệm của NT khi trúng thầu các gói thầu ĐTQM với quy mô tương đương rồi mới thực hiện đánh giá ngược. Sau đó phải thực hiện đánh giá tư cách hợp lệ, đánh giá năng lực và kinh nghiệm thì mới đúng trình tự của Luật Đấu thầu đã quy định.

Tin cùng chuyên mục