Đánh giá tổng thể công tác đấu thầu tại Việt Nam và xây dựng kế hoạch hành động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 13/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả đánh giá tổng thể công tác đấu thầu tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 theo Phương pháp đánh giá hệ thống đấu thầu (MAPS).
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tháng 12/2020, WB và ADB đã chủ động đề xuất hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá tổng thể hệ thống đấu thầu của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020. Mục tiêu chính của hoạt động này là nhận diện những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống đấu thầu, từ đó khuyến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, tăng cường tính minh bạch và liêm chính trong đấu thầu.

Thời điểm bắt đầu thực hiện báo cáo này cũng là thời điểm Việt Nam đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng, kết quả đánh giá của các chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước của WB, ADB sẽ cung cấp thêm những thông tin hữu ích, đa chiều về hệ thống đấu thầu của Việt Nam để cơ quan quản lý có thêm nguồn thông tin tham khảo chất lượng trong quá trình hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách về đấu thầu, trong đó có việc xây dựng và thực thi Luật Đấu thầu mới. Cùng với đó, các bên sẽ cùng nhau thảo luận về kế hoạch hành động phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới trên cơ sở tận dụng các kết quả nghiên cứu.

Bà Kathy Whimp, Giám đốc Quản lý hoạt động dự án, WB tại Việt Nam chia sẻ, có nhiều lý do khiến Việt Nam cần phải cải cách, cải thiện hệ thống đấu thầu. Do Việt Nam cần tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhà nước để có nhiều nguồn lực cho phát triển, tăng trưởng kinh tế nên phải có hoạt động đấu thầu hiệu quả. Nếu tiết kiệm 1% chi tiêu cho ngân sách nhờ hoạt động đấu thầu thì sẽ giải phóng được khoảng 400 triệu USD để hỗ trợ cho những hoạt động phát triển khác. Ngoài ra, khi tiết kiệm được chi tiêu của ngân sách, dự án phát triển nhanh hơn, cải thiện tỷ lệ giải ngân đầu tư công. Cùng với đó, cải thiện đấu thầu nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, chi tiêu xanh; giúp cải thiện bình đẳng, tạo nhiều công ăn việc làm; giúp doanh nghiệp và người dân hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động đầu tư công...

Theo Dự thảo Báo cáo, đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam hiện sử dụng khoảng 55 tỷ USD hàng năm, chiếm khoảng 14% GDP, trong đó 39 tỷ USD từ ngân sách nhà nước và 15 tỷ USD từ các nguồn vốn khu vực tư nhân thông qua phương thức lựa chọn nhà đầu tư.

Luật Đấu thầu 2013 quy định quản lý nhà nước về đấu thầu và sau hai thập kỷ cải cách, Luật Đấu thầu 2013 phản ánh một hệ thống đấu thầu mua sắm công phát triển và vận hành tốt, thể hiện nhiều đặc tính của một hệ thống đấu thầu hiện đại đáp ứng phần lớn các tiêu chí đánh giá theo chỉ số MAPS. Việt Nam có khuôn khổ pháp lý và quy định ổn định, đã thành lập cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu với đầy đủ chức năng và có hệ thống đấu thầu qua mạng đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức hạn chế liên quan đến một vài chỉ số MAPS cần được tiếp tục cải thiện.

Về khuôn khổ pháp lý, quy định và chính sách về đấu thầu mua sắm công của Việt Nam đáp ứng hầu hết các tiêu chí đánh giá về khía cạnh tổ chức và mức độ hoàn chỉnh. Bộ văn bản quy định hướng dẫn toàn diện, bao gồm các nghị định, thông tư, mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT), được cập nhật thường xuyên và dễ dàng truy cập miễn phí.

Về khung thể chế và năng lực quản lý, hệ thống đấu thầu hiện tại của Việt Nam đã có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Cục Quản lý đấu thầu với vai trò và nhiệm vụ của các bên liên quan được quy định rõ ràng. Đấu thầu mua sắm công được đưa vào một hệ thống đấu thầu điện tử đang hoạt động hiệu quả và đã thực hiện đào tạo đấu thầu rộng rãi đi cùng với quá trình cải cách.

Hoạt động đấu thầu mua sắm công và thông lệ thị trường tuân thủ một cách thỏa đáng các thủ tục đấu thầu mua sắm công với hiệu suất hoạt động của hệ thống được nâng cao thông qua việc sử dụng đấu thầu qua mạng. Hầu hết các mẫu HSMT đạt yêu cầu và tính bảo mật của quy trình được đảm bảo.

Trách nhiệm giải trình, tính liêm chính và minh bạch của hệ thống đấu thầu mua sắm công với thông tin đấu thầu dễ tiếp cận đối với công chúng và tham vấn công khai. Có các cơ quan kiểm soát độc lập, bao gồm cả Cục Quản lý đấu thầu và kiểm toán độc lập, có uy tín và được đánh giá là hiệu quả. Hiện đã có cơ chế giải quyết kiến nghị cũng như các biện pháp phòng chống tham nhũng đang được thực thi trên toàn quốc.

Dự thảo Báo cáo đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện 4 nhóm lĩnh vực chính liên quan tới tăng cường hệ thống pháp luật (10 nội dung); tăng cường vận hành hệ thống (7 nội dung); tăng cường giám sát hệ thống (6 nội dung); nâng cao năng lực hệ thống (3 nội dung). Các ý kiến tại Hội thảo cũng đã tập trung góp ý cho kế hoạch hành động phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục