Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến các ngân hàng khó huy động tiền gửi. Ảnh: Lê Tiên |
Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm của ông Trương Thanh Đức đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Thời điểm chưa phù hợp
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, các nước trên thế giới đều làm, đây là một cách để mở rộng cơ sở thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm thì có thể tiền gửi tiết kiệm sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác như: bất động sản, chứng khoán... Trong khi đó, bất động sản hay chứng khoán lại không được đánh thuế một cách tương ứng. Điều đó có nghĩa đánh thuế hoạt động tiết kiệm nhưng lại không đánh thuế hoạt động đầu cơ. Đây là điều bất hợp lý và làm bóp méo khuyến khích kinh tế.
Bình luận về đề xuất này, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng, việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước khác là bình thường, nhưng ở Việt Nam chưa phải là thời điểm, bởi vì hiện nay đây không phải là nguồn thu lớn cho ngân sách, đa phần người dân Việt Nam vẫn còn nghèo, số tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng không phải lớn.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc tính thuế thu nhập lãi tiền gửi tiết kiệm thời điểm này là chưa phù hợp. Thứ nhất, thông thường việc đánh thuế thu nhập lãi tiền gửi diễn ra ở các nước tương đối phát triển, thu nhập tương đối cao. Nếu Việt Nam áp dụng ngay thời điểm này thì sẽ gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung - dài hạn, bởi càng dài hạn thì lãi suất càng cao, càng bị đánh thuế nhiều.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động và cung cấp vốn chính cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Nếu đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm thì có thể nhiều khách hàng sẽ rút tiền ra khỏi hệ thống tín dụng. Để giữ chân khách hàng, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Điều này cũng kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng, gây áp lực về chi phí vốn cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ...
Có thể áp dụng mức thuế suất thấp
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ đề xuất này. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đã đến lúc Việt Nam nên nghiêm túc xem xét việc này bởi việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về mặt tích cực thì rõ ràng, việc thu thuế này sẽ hỗ trợ cho ngân sách quốc gia, tạo ra công bằng xã hội. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực thì điều này sẽ ảnh hưởng đến tiền gửi ngân hàng, đồng thời, tạo ra phản ứng của người gửi tiền. Để không gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, có thể đánh thuế với mức thuế suất thấp. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng thừa nhận, nếu việc đánh thuế này được áp dụng sẽ khiến các ngân hàng khó huy động tiền gửi. Vì vậy cần xem xét có giới hạn miễn trừ hoặc nâng cao mức giảm trừ gia cảnh để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân để giảm tác động đến người dân.
Đây cũng không phải lần đầu tiên có ý kiến đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các chuyên gia kinh tế.
Hiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang được xem là một trong những kênh đầu tư an toàn và hiệu quả của người dân. Lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện khoảng 6 - 7% một năm. Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập.