4 tháng đầu năm nay có 34.721 DN mới ra đời nhưng cũng có hơn 25.135 DN tạm ngừng hoạt động, giải thể. Ảnh: Ngô Ngọc Anh |
Mục tiêu liệu có đạt được?
Theo thống kê, từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay, chúng ta có 945.000 DN đăng ký mới, thực chất chỉ có khoảng 550.000 DN hiện đang hoạt động. Danh mục DN đăng ký qua các cơ quan thuế là 525.000 DN. Như vậy, có khoảng hơn 400.000 doanh nghiệp trong vòng 15 năm (2001 - 2015) đăng ký nhưng bị giải thể và ngừng hoạt động. Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, con số đó nhiều người cho là bình thường, bởi trong đó có những doanh nghiệp giải thể là bình thường, nhưng cũng có hàng loạt doanh nghiệp giải thể là bất bình thường.
Ông Nguyễn Mại phân tích, 4 tháng đầu năm nay có trên 25.135 DN tạm ngừng hoạt động, giải thể. Con số đó so với số lượng 34.721 DN mới ra đời rõ ràng chênh lệch rất ít. Con số này không bình thường. Các nhà thống kê, hoạch định chính sách nên đi sâu phân tích chứ không nên chỉ công bố con số chung chung. Cần phân tích cụ thể vùng nào, ngành gì mà DN khó khăn không thể tồn tại được.
“Chúng ta đang hy vọng sẽ có khoảng vài triệu DN để phát triển đất nước. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 là 1 triệu DN, nhưng nếu cứ 945.000 DN ra đời, lại có một nửa số DN ngừng hoạt động thì không biết đến bao giờ mới có được 1 triệu hay vài triệu DN” – ông Mại bày tỏ quan điểm.
Theo phân tích của một số chuyên gia, có được 1 triệu DN với “điều kiện” dân số và kinh tế của Việt Nam thì số DN mục tiêu đó không phải là lớn. Song, thách thức ở đây nằm ở vấn đề lượng DN ra đời lại luôn “song hành” với số DN “chết đi” trong mấy năm qua.
Như vậy, để đạt được mục tiêu, mỗi năm số DN thành lập mới phải đủ để sau khi bù trừ DN “chết đi” thì có khoảng 100 nghìn DN. Đây thực sự là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ để “giữ chân” DN thoi thóp
Để thực hiện được Nghị quyết này, Chính phủ cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; đơn giản hóa và giảm thủ tục về đất đai; giảm chi phí kinh doanh cho DN; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự...
Bên cạnh việc hỗ trợ cho các DN đang hoạt động, phong trào DN khởi nghiệp đang náo nức diễn ra, Chính phủ cũng đã có những chính sách tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa được phê duyệt. Theo đó, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nhận thức được phong trào khởi nghiệp đang “khởi sắc” tại Việt Nam, Dự án Mekong Business Initiative (MBI) của ADB và Chính phủ Úc đang có chương trình huấn luyện chuyên sâu Alpha Startups. Chương trình sẽ đào tạo cách thức chuyển giao từ ý tưởng đến sản phẩm trong thời gian ngắn nhất cho những startups có ý tưởng đột phá. Các startups sẽ phải thuyết phục được hội đồng giám khảo là những chuyên gia cố vấn về khởi nghiệp, những nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm. Ba đội đứng đầu sẽ nhận được tổng số tiền đầu tư và hỗ trợ lên tới 25.000 USD và 3 tháng đào tạo.