![]() |
Trong những năm qua, nhiều ngân hàng thương mại đã tham gia cung cấp vốn cho các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tại Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Vốn ngân hàng trong phát triển hạ tầng
Ngày 7/2/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Liên danh Tập đoàn Vingroup - Techcombank về Dự án thành phần 1 (Dự án), lấy ý kiến rộng rãi công chúng. Báo cáo cho biết, Dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác vận hành năm 2027. Dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư, với tổng mức đầu tư 19.612 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 6.842 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư là 12.770 tỷ đồng.
Cũng theo Báo cáo, Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh 6 làn xe theo quy hoạch. Tổng diện tích đất để thực hiện Dự án thành phần 1 khoảng 1.110,42 ha. Dự án nhằm hình thành trục dọc kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng.
Hạ tầng giao thông chiến lược là một trong những yếu tố có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương. Trong những năm qua, nhiều ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank… đã tham gia cung cấp vốn cho các dự án hạ tầng tại Việt Nam. Chẳng hạn, tại Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng), Vietcombank đang là ngân hàng tài trợ chính, với giá trị tài trợ gần 7.000 tỷ đồng. Nhiều dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam ghi nhận khoản tài trợ vốn từ Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MBBank… Trong diễn biến sắp tới, bằng việc tham gia liên doanh thu xếp 12.770 tỷ đồng cho Dự án Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Techcombank là ngân hàng tư nhân nhập cuộc phát triển hạ tầng giao thông chiến lược - loại dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài, khác với bản chất nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là dòng tiền ngắn hạn.
Theo tìm hiểu hoạt động cho vay các dự án hạ tầng, dài hạn được tổ chức thành một khối thông tin riêng. Tại Vietcombank, ngân hàng cho vay theo hình thức độc lập hoặc cấp tín dụng hợp vốn vào các dự án lớn. Vietcombank cung ứng số tiền vay lên đến 85% tổng mức đầu tư dự án với thời hạn vay tối đa 15 năm. Doanh nghiệp vay vốn tại Vietcombank được cung cấp trọn gói các dịch vụ liên quan trong suốt quá trình đầu tư dự án.
Tại BIDV, ngân hàng cho vay tối đa 85% tổng mức đầu tư dự án BOT giao thông, đồng thời áp dụng mức cho vay này với nhiều dự án hạ tầng khác như nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, dự án điện, dầu khí, cảng biển, cảng hàng không, bệnh viện...
Tại MBBank, hoạt động tài trợ vốn dài hạn hướng vào chủ thể chính là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây lắp, xây dựng công trình, bao gồm nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ, nhà thầu liên danh, không có nợ nhóm 2 trở lên tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất, có xếp hạng tín dụng từ A trở lên…
Tháo gỡ khó khăn, tăng cơ hội gọi vốn ngân hàng
Làm việc với Ngân hàng Nhà nước đầu Xuân Ất Tỵ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2025 có nhiều nhiệm vụ quan trọng: tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, phấn đấu để thời gian tới tăng trưởng 2 con số… Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ngành ngân hàng cần tập trung tín dụng cho các ngành nghề, chương trình ưu tiên; hướng tín dụng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng... Thủ tướng cũng yêu cầu các ngân hàng tích cực hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng trên tinh thần "khó mấy cũng phải làm".
Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2025 phấn đấu khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án, đồng thời hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công nhiều dự án như TP. HCM - Chơn Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; Chợ Mới - Bắc Kạn, Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1… Đối với đường sắt, năm 2025 tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó tập trung xây dựng nghị quyết của Chính phủ triển khai nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.
Đặc trưng của các dự án hạ tầng giao thông chiến lược là cần nguồn lực tài chính rất lớn, có thể từ ngân sách, vốn vay hoặc vốn từ đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, trong những năm qua, một số dự án có sự tham gia của nguồn vốn tư nhân không thực sự mang đến “quả ngọt”. Đơn cử, Dự án BOT Cầu Thái Hà nhiều năm gặp khó khăn về tài chính, lỗ lũy kế của Công ty tính đến cuối năm 2023 lên tới 444 tỷ đồng. Công ty này đã đề xuất nhiều giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa được gỡ khó. Tại dự án này, Vietinbank cho vay chính với số tiền tài trợ hơn 1.425 tỷ đồng, chiếm hơn 83% vốn của Dự án (1.709 tỷ đồng).
Nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng gặp khó khăn về tài chính, như Dự án BOT cải tạo đường Quốc lộ 39B (Thái Bình), Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng), Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa, Dự án Xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì… Khi dự án gặp khó khăn, không chỉ nhà đầu tư thua lỗ mà các ngân hàng tài trợ vốn cũng phải chịu rủi ro do không thu hồi được gốc và lãi đúng hạn.
Theo một số ý kiến, để vốn ngân hàng tham gia nhiều hơn vào việc đầu tư/tài trợ vốn phát triển hạ tầng giao thông, Chính phủ cần sớm gỡ các khó khăn khách quan tại những dự án nhiều năm tồn đọng, đồng thời xây dựng khung pháp lý cân bằng quyền lợi giữa Nhà nước, chủ đầu tư, nhà tài trợ vốn cho dự án.