Dấu hỏi về báo cáo tài chính tự lập của OCH

(BĐT) - Theo báo cáo tài chính quý III vừa được công bố, lũy kế 9 tháng 2017, doanh thu thuần của Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH, mã chứng khoán OCH) đạt 873 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. 
Hai năm gần đây, báo cáo tài chính tự lập của OCH thường báo lãi và báo cáo lỗ đối với báo cáo tài chính có sự soát xét của kiểm toán
Hai năm gần đây, báo cáo tài chính tự lập của OCH thường báo lãi và báo cáo lỗ đối với báo cáo tài chính có sự soát xét của kiểm toán

Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ trên 33,9 tỷ đồng; 9 tháng năm 2016, con số này là âm 49,13 tỷ đồng. Lợi nhuận có được là do tiết giảm lãi vay và không trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán.

Chi phí tài chính chỉ bằng ½ so với cùng kỳ

Theo báo cáo tài chính tự lập, tại thời điểm 30/9/2017, hoạt động kinh doanh trong quý III của OCH đã có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý III đạt 473 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của từng mảng kinh doanh cải thiện cùng với tiết giảm mạnh chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đã giúp gia tăng lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ. Tính riêng trong quý III/2017, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 75,6 tỷ đồng và bù đắp toàn bộ khoản lỗ lũy kế 41 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.

Chi phí tài chính là khoản mục đáng chú ý nhất trên bảng kết quả kinh doanh của Công ty khi chỉ bằng ½ so với cùng kỳ năm 2016. Thuyết mi­­­­­nh báo cáo tài chính cho thấy, OCH hoàn nhập 655,3 triệu đồng so với mức trích lập dự phòng 30,6 tỷ đồng trong năm 2016; đồng thời, chi phí lãi vay giảm 28,5%, xuống chỉ còn 65,5 tỷ đồng trong 9 tháng 2017. Điều này đã góp phần không nhỏ giúp kết quả kinh doanh OCH khởi sắc.

Quan sát của Báo Đấu thầu, kết quả kinh doanh của OCH trong hai năm gần đây dường như có nhiều trùng lặp. Báo cáo tài chính tự lập thường báo lãi và báo cáo lỗ đối với báo cáo tài chính có sự soát xét của kiểm toán. Về cơ bản, việc phải thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ khó đòi và giảm giá chứng khoán theo đúng chuẩn mực là nguyên nhân chính tạo nên kết quả kinh doanh tồi tệ của công ty này. ­­

Tại thời điểm 30/6/2017, tổng các khoản cho vay ngắn hạn, phải thu khác và khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác và các khoản trả trước sau khi trích lập dự phòng là hơn 364 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán thì hầu hết những khoản mục không thu thập được bằng chứng thích hợp để đánh giá được khả năng thu hồi. Hiểu một cách đơn giản, OCH không thể xác định được khả năng thu hồi được hơn 364 tỷ đồng này. Nếu như Công ty không tìm được phương thức giải quyết thì nhiều khả năng đây tiếp tục là một khoản chi phí tiềm ẩn lớn trong tương lai.

Thị giá cổ phiếu biến động mạnh

Thị giá của OCH biến động khá mạnh trong thời gian gần đây và có phiên giao dịch với khối lượng lên tới 20 triệu cổ phiếu vào ngày 31/8, sau khi đạt đỉnh quanh 12.000 đồng/CP. Cùng với thời điểm này, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) công bố đã chuyển nhượng thành công gần 20 triệu cổ phiếu OCH sau gần 2 năm trời trở thành cổ đông bất đắc dĩ. Đối với thương vụ này, EVN Finance gần như không có lời.

Vào thời điểm tháng 7/2015, EVN Finance đã thực hiện cầm cố bằng hình thức nhận chuyển nhượng 19,95 triệu cổ phiếu OCH xử lý khoản tiền 240 tỷ đồng cho Tập đoàn Đại Dương (OGC) vay. Hiện nay, sau khi EVN Finance chuyển nhượng thành công, thị giá OCH đã quay đầu giảm sàn liên tục với thanh khoản thấp. Hiện tại chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 7.000 đồng/CP. Về hoạt động kinh doanh, nếu như không có gì đặc biệt, nhiều khả năng OCH sẽ trở lại lỗ trong quý IV/2017.

Tin cùng chuyên mục