Đâu là rào cản dự án PPP?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không phải là công cụ để biến một dự án tồi thành một dự án tốt. Bên cạnh chính sách, còn nhiều yếu tố quan trọng khác để quyết định thành công một dự án PPP.
Tình trạng hụt thu, khó khăn của các dự án PPP đã và đang triển khai để lại hệ lụy là nhiều nhà đầu tư có năng lực không còn hào hứng tham gia. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng hụt thu, khó khăn của các dự án PPP đã và đang triển khai để lại hệ lụy là nhiều nhà đầu tư có năng lực không còn hào hứng tham gia. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội thảo Tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP do VCCI và USAID tổ chức sáng 13/7/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp nhiều rào cản trong thực hiện dự án PPP như quy định của Luật Giá; tình trạng hụt thu, khó khăn của các dự án đã và đang triển khai để lại hệ lụy đáng tiếc là nhiều nhà đầu tư có năng lực không còn hào hứng tham gia, trong khi các doanh nghiệp khác không thể tiếp cận tín dụng…

Nói riêng về tín dụng, theo VCCI, đến cuối năm 2021 nợ xấu dự án PPP giao thông là 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 6,5% tổng dư nợ, tăng nhanh so với mức 5,7% giữa năm 2020 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao. Rủi ro tín dụng cao, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các chính sách quản lý rủi ro thanh khoản. Để tháo gỡ nút thắt này, Ban Pháp chế VCCI khuyến nghị chính sách tín dụng cần có sự phân loại tốt hơn theo từng dự án chứ không nên gộp chung và có lẽ cần một thông tư về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các dự án giao thông tương tự như Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng khó khăn do Covid-19. Ngân hàng thương mại chủ động giám sát doanh thu để giảm rủi ro tín dụng cho các khách hàng đã có nợ xấu từ các dự án BOT trước đó.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, vừa có những rào cản pháp lý, vừa có những khó khăn thực tế khi thực hiện dự án PPP. Đơn cử như thiếu quy định để quản lý các hợp đồng PPP phức tạp. Hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển theo phương thức PPP không được xây dựng riêng biệt mà lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia, ngành, địa phương. Trong đó, một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trùng lặp và hiệu quả chưa cao. Đến nay vẫn chưa có một kế hoạch, chiến lược trung và dài hạn cho PPP. Bên cạnh đó, văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp về PPP đã quy định rõ ràng trình tự chuẩn bị, thực hiện dự án. Tuy nhiên, nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Giá… Nhiều quy định chồng chéo lẫn nhau dẫn đến khó khăn thực hiện trong thực tế. Các tiêu chí đánh giá năng lực nhà đầu tư đối với dự án PPP phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào đặc thù của các lĩnh vực dự án. Tuy nhiên, các hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở các trình tự chung. Đặc biệt, việc lựa chọn dự án PPP phải tuân thủ các nguyên tắc về quy trình lựa chọn chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo mọi nguồn lực cần thiết là điều kiện tiên quyết, hàng đầu để thực hiện thành công dự án PPP.

Bà Nguyễn Linh Giang, Chánh Văn phòng PPP, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, bên cạnh chính sách, còn nhiều vấn đề cần khắc phục để triển khai một dự án PPP thành công. Đầu tiên, là thể chế, môi trường đầu tư, chính sách pháp luật. Khuôn khổ pháp lý PPP đã khá hoàn thiện, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đã có thông tư hướng dẫn của ngành, nhưng các lĩnh vực khác như y tế, năng lượng, xử lý rác thải nước thải… thì chưa. Các ngành khác cần thông tư hướng dẫn, vì cái khó trong thu hút tư nhân của từng ngành không phải về mặt khung chính sách, mà là những vấn đề riêng cần xử lý, ví dụ với năng lượng là vấn đề mua bán điện với EVN, giá điện, với xử lý rác cũng là vấn đề giá, vị trí đặt nhà máy rác để hài hòa vì không một người dân nào muốn nhà máy đặt gần nơi sinh sống… Tuy nhiên, bên cạnh chính sách, những yếu tố quan trọng để có thể thực hiện dự án PPP thành công là tính khả thi nội tại của dự án về kinh tế; phương án tài chính đã đủ hấp dẫn khu vực tư nhân hay chưa; ngân sách nhà nước dành cho dự án như thế nào; năng lực thực thi của cơ quan nhà nước và khả năng đáp ứng của khu vực tư nhân ra sao…

Theo nhiều chuyên gia, cần sớm xử lý những hệ lụy xảy ra do giai đoạn đầu tư tràn lan trước đó; đồng thời bắt tay triển khai dự án PPP mới với tư duy, nhận thức, cách làm mới như tinh thần của Luật. Lựa chọn, chuẩn bị dự án tốt; công khai, minh bạch, đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư; linh hoạt trong huy động kênh vốn khác… Theo ông Nguyễn Hồng Chung, khi rào cản được gỡ bỏ, các dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế, tiềm năng thị trường hạ tầng và dịch vụ công sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội với nhiều tập đoàn tư nhân trong nước ngày càng mạnh lên về tiềm lực tài chính, công nghệ, kỹ năng quản lý và vận hành các dự án quy mô lớn. Đây còn là cơ sở để kỳ vọng một thế hệ nhà đầu tư mới trong và ngoài nước chuyên nghiệp và có năng lực tốt hơn tham gia các dự án PPP trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục