Đâu là thời điểm bỏ hạn mức tín dụng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, các ngân hàng thương mại và giới chuyên gia đều cho rằng, trong vài năm tới, việc áp hạn mức để phân bổ tín dụng cho từng tổ chức tín dụng và kiểm soát dòng tiền từ hệ thống ngân hàng vào nền kinh tế vẫn là giải pháp phù hợp với Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống đã tăng gần 10%, mức cao so với nhiều năm trước đây. Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, trước năm 2011, tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Giai đoạn 2007 - 2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu tăng cao, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Từ năm 2011, kết hợp với việc siết chặt hoạt động thanh tra, giám sát các tiêu chí an toàn theo chuẩn mực quốc tế, NHNN tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành của TCTD. Đồng thời, NHNN thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật để bảo đảm biện pháp điều hành TTTD bám sát tình hình thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu hàng năm do Chính phủ, NHNN đặt ra trong kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Tổng kết quá trình triển khai biện pháp phân bổ TTTD từ 2011 đến nay, TTTD toàn hệ thống giảm mạnh từ 30%/năm (cá biệt có năm lên tới 53,8%) xuống chỉ còn 12 - 14%/năm những năm gần đây. Sự ổn định của thị trường tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các TCTD nâng cao năng lực quản trị điều hành, cải thiện chỉ số an toàn hoạt động và giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, mặc dù còn những hạn chế, nhưng công cụ hạn mức tín dụng vẫn cần thiết và phát huy hiệu quả. Việc phân bổ hạn mức tín dụng cho các TCTD được thực hiện bảo đảm nguyên tắc khách quan, rõ ràng, minh bạch, để bảo đảm an toàn hệ thống, vì mục tiêu chung của ngành ngân hàng và của đất nước.

Từ góc độ TCTD, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, ngay từ đầu năm, NHNN thông báo chỉ tiêu TTTD cả năm, qua đó giúp các TCTD chủ động trong hoạt động kinh doanh. Các tiêu chí phân bổ chỉ tiêu TTTD được NHNN thực hiện công khai, minh bạch, phản ánh các tiêu chuẩn chung của thế giới bên cạnh các tiêu chuẩn đánh giá riêng của NHNN. “Nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện nay rất lớn song không thể dồn hết vào hệ thống ngân hàng mà cần phải phát triển qua nhiều kênh khác”, ông Thái đánh giá.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, điều hành tín dụng bằng việc phân bổ hạn mức cho từng ngân hàng và định hướng tổng mức tăng trưởng cả năm là giải pháp hành chính và gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vẫn phải duy trì công cụ này để kiểm soát dòng vốn tín dụng đổ vào nền kinh tế nhằm cân đối với cung cầu vốn, tỷ giá, lãi suất. “Trong vài năm tới, khi các kênh huy động vốn khác phát huy hiệu quả, hệ thống ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn thì có thể kiểm soát tín dụng bằng các công cụ khác có tính thị trường hơn như hệ số an toàn vốn, trích lập dự phòng rủi ro”, ông Lực nói.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, những năm 2008 - 2010, nhiều ngân hàng thương mại bất chấp rủi ro để giải ngân tín dụng dẫn đến tăng trưởng tín dụng quá cao, gây bất ổn vĩ mô kéo dài. Sau đó, việc áp dụng hạn mức tín dụng song song với nâng cao kiểm soát rủi ro đã giúp thị trường ổn định trở lại.

“Đến nay, hạn mức tín dụng vẫn là công cụ tốt, vừa sức với công tác điều hành, với hệ thống ngân hàng để điều tiết dòng vốn trong nền kinh tế nhằm đạt các mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất. Việc bỏ hạn mức là phù hợp với kinh tế thị trường song không phải bây giờ, hay nói cách khác, khi thị trường phát triển lành mạnh, hệ thống quản trị rủi ro của các ngân hàng vận hành hiệu quả thì mới có thể tính đến việc bỏ công cụ kiểm soát lưu lượng vốn tín dụng này”, ông Ánh nói.

Tin cùng chuyên mục