Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Bài 3: chế tài mạnh thúc đẩy cạnh tranh và hiệu quả cuộc thầu
Muốn kiểm soát chất lượng dịch vụ giặt là, vệ sinh bệnh viện, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những cách thức hiệu quả nhất là lành mạnh hóa hoạt động đấu thầu cung cấp dịch vụ này, sau đó tăng cường giám sát việc thực thi các cam kết trong hồ sơ dự thầu.
Tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 chấn chỉnh công tác đấu thầu trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bên mời thầu “không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự của nhà thầu như: yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu...”.
Năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản số 2752/BYT-KCB về việc tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện quy trình xử lý đồ vải sau khi có thông tin phản ánh một số cơ sở cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải cho các bệnh viện không bảo đảm tuân thủ quy trình xử lý, thiếu sự giám sát thường xuyên của các bệnh viện thuê dịch vụ dẫn đến khả năng ảnh hưởng đến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch bệnh… Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh xem xét chấm dứt hợp đồng xử lý đồ vải đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài nếu không bảo đảm các yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Một số ý kiến cho rằng, để kiểm soát chất lượng dịch vụ, trước hết phải lành mạnh hóa hoạt động đấu thầu. Bộ Y tế cần có chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt chấn chỉnh hành vi lạm dụng đặc quyền ra “đề bài” của các bên mời thầu để hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hơn với những gói thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh chỉ có một nhà thầu trúng thầu trong thời gian dài, cũng như việc tuân thủ hợp đồng sau đấu thầu… Ngoài ra, Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết hơn việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực này, tránh tình trạng lạm dụng tiêu chí vì mục đích hạn chế nhà thầu tham dự.
Theo nhiều ý kiến, việc tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu thông qua các tiêu chí mở được xem là giải pháp hiệu quả nhất. Ông Châu Quốc Quang - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ chuyên nghiệp Bảo Quang đề xuất, thay vì sử dụng tiêu chí đạt/không đạt, bên mời thầu nên sử dụng tiêu chí chấm điểm, trong đó có điểm thưởng cho những nhà thầu uy tín, có trách nhiệm xã hội để lựa chọn nhà thầu có năng lực, có công nghệ tiên tiến.
Theo TS. Bùi Vũ Bình - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Trường Đại học Y Hà Nội, việc thay đổi nhà thầu sẽ giúp giảm vị thế độc quyền, tăng tính cạnh tranh về chất lượng giữa các nhà thầu. Hơn nữa, khi mời thầu, các bệnh viện nên ưu tiên nhà thầu có nhà xưởng có công suất gấp đôi so với nhu cầu, để bảo đảm tiến độ và chất lượng cung cấp dịch vụ, đề phòng những rủi ro do hỏng hóc, máy móc không bảo đảm chất lượng về kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tăng cường chất lượng dịch vụ là nhu cầu tự thân của mỗi doanh nghiệp, nhà thầu, nhưng cái khó hiện nay, theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Dịch vụ chuyên nghiệp Bảo Quang, là thời gian thực hiện mỗi hợp đồng thường quá ngắn, chỉ từ 6 đến 12 tháng.
Với thời gian ngắn như vậy, cứ 6 tháng 1 lần, Bệnh viện phải xoay vòng lên kế hoạch tổ chức đấu thầu, vừa tốn thời gian, vừa tốn nhân lực, chưa kể làm tăng thêm chi phí. Hợp đồng cung cấp dịch vụ chỉ vỏn vẹn 1 năm, thực chất là dưới 1 năm, nhà thầu khó có thể ký hợp đồng dài hạn và bảo đảm các chế độ phúc lợi xã hội như chi trả bảo hiểm xã hội… cho người lao động. Lao động trong ngành này thường được tuyển dụng theo thời vụ và dễ “nhảy việc”, dù chi phí đào tạo để có các chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn là không hề nhỏ, ảnh hưởng đến cam kết về nhân sự trong thực hiện hợp đồng.
Ông Quang đề xuất, nên tăng thời gian thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện lên 2 - 3 năm. Có như vậy, nhà thầu mới yên tâm đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức cho nhân viên, Bệnh viện có nhiều thời gian để làm công tác chuyên môn hơn.
Theo chuyên gia về đấu thầu, việc HSMT có những tiêu chí cao bất thường nhằm hạn chế nhà thầu là do chưa có chế tài đủ mạnh. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2024 khi Luật Đấu thầu có hiệu lực, hồ sơ mời thầu nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng sẽ vi phạm điều cấm trong đấu thầu, đó là không bảo đảm công bằng, minh bạch và các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu.
Theo Điều 87 Luật Đấu thầu năm 2023, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường nếu gây thiệt hại; cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 5 năm.