Đấu thầu qua mạng tại doanh nghiệp nhà nước: Nơi sát sao, nơi lơ là

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình hình triển khai công tác đấu thầu qua mạng năm 2021 của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục có bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, tình trạng triển khai không đồng đều giữa các “ông lớn” vẫn khá rõ trong bối cảnh hoạt động này đang được đẩy mạnh.
Năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đấu thầu qua mạng 16.068 gói thầu với tổng giá trúng thầu khoảng 59.498 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Phú An
Năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đấu thầu qua mạng 16.068 gói thầu với tổng giá trúng thầu khoảng 59.498 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Phú An

Điểm sáng nổi bật trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là tiếp tục có những kết quả tích cực trong việc triển khai đấu thầu qua mạng, thực hiện Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo thống kê của EVN, năm 2021, Tập đoàn thực hiện thành công 16.068 gói thầu qua mạng trong cả lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh với tổng giá trị trúng thầu khoảng 59.498 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 7,1% (so với 14.876 gói thầu năm 2020, 10.698 gói thầu năm 2019, 7.400 gói thầu năm 2018, 4.000 gói thầu năm 2017, 1.800 gói năm 2016, 241 gói thầu năm 2015).

Bên cạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng (trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù), nhiều gói thầu có quy mô, giá trị lớn, tính chất phức tạp đã được EVN tổ chức đấu thầu qua mạng thành công.

EVN cho hay, hầu hết các đơn vị thành viên đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện đấu thầu qua mạng như các ban quản lý dự án, các tổng công ty phân phối, các công ty thủy điện, công ty nhiệt điện...

Trong khi đó, kết quả đấu thầu qua mạng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) năm qua lại có nhiều gam màu trầm. Theo PVN, trong tổng số 788 gói thầu thực hiện năm 2021, PVN và các đơn vị thành viên đã tổ chức đấu thầu qua mạng 154 gói với tổng giá trị 397,409 tỷ đồng, tiết kiệm được 43,369 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ 10,91%.

Lý giải về kết quả khiêm tốn này, PVN cho biết, tuy công tác đấu thầu qua mạng đã được PVN quán triệt tới các đơn vị nhưng do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, các đơn vị trong ngành triển khai chưa triệt để dẫn đến chưa đảm bảo tỷ lệ các gói thầu cần tổ chức đấu thầu qua mạng theo yêu cầu. Hơn nữa, một số đơn vị tập trung vào các dự án quy mô nhỏ như đầu tư cửa hàng xăng dầu, duy tu, sửa chữa, mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên nên chủ đầu tư chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh rút gọn.

Thực tế cho thấy, năm 2021, Báo Đấu thầu nhận được không ít kiến nghị về việc một số gói thầu lĩnh vực xăng dầu chưa áp dụng đấu thầu qua mạng, gây khó khăn cho sự tham gia của các nhà thầu. Điển hình như tháng 10/2021, một số nhà thầu phản ánh Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên không tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng dù gói thầu có giá trị nằm trong hạn mức phải tổ chức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng…

Cũng giống như PVN, tình hình triển khai công tác đấu thầu qua mạng của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) còn nhiều tồn tại, hạn chế. Năm 2021, Tổng công ty đấu thầu qua mạng 13 gói thầu trên tổng số 46 gói thầu thực hiện trong năm.

“Từ trước tới nay, các công ty thành viên đã quen với việc đấu thầu trực tiếp, chưa thực hiện nhiều việc lựa chọn nhà thầu qua mạng. Một số nhà thầu chưa đăng ký chứng thư số trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nên số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu còn hạn chế...”, VICEM lý giải.

Báo cáo công tác đấu thầu của Tổng công ty Lương thực miền Nam năm 2021 cho thấy, cả năm qua, đơn vị này có 5 gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng trên tổng số 23 gói thầu thực hiện trong năm. Tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), năm 2021 chỉ có 11/58 gói thầu được đấu qua mạng…

Để cải thiện tình trạng này, thực hiện lộ trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, hầu hết các “ông lớn” DNNN có kết quả đấu thầu qua mạng khiêm tốn đều cam kết sẽ tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy đấu thầu qua mạng trong thời gian tới.

PVN cho biết, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu qua mạng để tận dụng các ưu điểm của đấu thầu qua mạng. VICEM cam kết năm 2022 sẽ tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các công ty thành viên tổ chức tập huấn, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo triển khai đấu thầu qua mạng…

Tin cùng chuyên mục