![]() |
Gói thầu số 1 Gói thầu thuốc generic thuộc Dự toán Mua sắm thuốc tập trung tỉnh Gia Lai giai đoạn 2025 - 2026 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mời thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Gói thầu số 1 Gói thầu thuốc generic (1.005 lô/phần) có giá hơn 1.140,739 tỷ đồng, được đóng/mở thầu vào ngày 10/1/2025 với 183 nhà thầu tham dự và đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).
Trong các nhà thầu tham dự, Công ty CP Dược phẩm và Thiết bị y tế Phúc Lộc nộp HSDT 4 mặt hàng tương ứng với 4 lô có tổng giá dự thầu là 4,1 tỷ đồng (gồm: 1,584 tỷ đồng Lô hoạt chất Vildagliptin 50mg; 92 triệu đồng Lô Metformin; 1,34 tỷ đồng Lô Enalapril; 1,083 tỷ đồng Lô Fexofenadin). Sau khi đóng thầu, ngày 16/1/2025, Phúc Lộc phát hiện “tại Lô hoạt chất Vildagliptin 50mg, trong quá trình thao tác, nhân viên đã đánh máy nhầm giá dự thầu mặt hàng này với một sản phẩm khác cùng chào thầu”. Do đó, Công ty đã gửi công văn tới Bên mời thầu với mong muốn khắc phục sai sót.
Ở một trường hợp khác, Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm An Phát nộp HSDT 4 lô với tổng giá dự thầu là 8,795 tỷ đồng (gồm: Levocetirizin 1,656 tỷ đồng, Vancomycin 1,11 tỷ đồng, Losartan 3,781 tỷ đồng, Bacillus clausii 2,247 tỷ đồng). Trong đó, HSDT Lô thuốc G0151 Levocetirizine dihydrochloride 5mg (nhóm 1) được nộp vào ngày 9/1/2025 (trước thời điểm đóng thầu 1 ngày). Đến ngày 14/2/2025, Nhà thầu gửi công văn tới Bên mời thầu đề nghị rút HSDT sản phẩm này do nhà cung cấp có sự thay đổi nên hàng hóa trong kho hiện tại không đủ để cung ứng và thực hiện gói thầu này.
Tương tự, một nhà thầu khác chia sẻ, lâu nay vẫn dự thầu mặt hàng A do một doanh nghiệp sản xuất trong nước (thể hiện bằng hóa đơn mua bán thuốc, không ký hợp đồng nguyên tắc về cung ứng hàng hóa). Sau khi nhà thầu nộp HSDT mặt hàng A tại Gói thầu số 1, nhà sản xuất đột ngột từ chối bán hàng, không cấp giấy phép bán hàng cho nhà thầu. Dù hồ sơ mời thầu (HSMT) không yêu cầu giấy phép bán hàng, nhưng do mặt hàng A không bán đại trà trên thị trường, nên nhà thầu không có nguồn hàng thay thế. Nếu tiếp tục tham dự thầu và trúng thầu thì nhà thầu khó có khả năng cung ứng hàng. “Liệu chúng tôi có thể rút HSDT được không?”, đại diện nhà thầu này băn khoăn.
Thực tế, những tình huống nêu trên không chỉ xảy ra ở gói thầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, mà đã từng xảy ra ở nhiều bên mời thầu khác. Khi nhận được đề nghị sửa đổi, rút HSDT, hầu hết bên mời thầu không chấp thuận và vẫn tiến hành đánh giá HSDT.
Tại Gói thầu số 1, khi nhận được kiến nghị của Công ty CP Dược phẩm và Thiết bị y tế Phúc Lộc, Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm An Phát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã có văn bản phản hồi, trong đó nêu rõ: Theo quy định tại mục 20.4 Chương I Chỉ dẫn nhà thầu trong HSMT, nhà thầu chỉ được rút, sửa đổi, nộp lại HSDT trước thời điểm đóng thầu. Sau thời điểm đóng thầu, tất cả các HSDT nộp thành công trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đều được mở thầu để đánh giá. Mặt khác, theo quy định tại mục 23.1 Chương I Chỉ dẫn nhà thầu trong HSMT, đối với các nội dung về tính hợp lệ của HSDT của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.
Bình luận về các tình huống nêu trên, TS. Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) cho rằng, lý do mà Bên mời thầu đưa ra để từ chối kiến nghị của các nhà thầu xin sửa đổi hay rút HSDT sau khi đóng thầu là có cơ sở. Các nhà thầu không thể rút HSDT khi đã đóng thầu. Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm và tính nghiêm túc của mỗi nhà thầu khi tham dự thầu.
Do đó, theo khuyến nghị của TS. Nguyễn Việt Hùng, trước khi nhấn nút gửi HSDT, nhà thầu cần kiểm tra kỹ lưỡng, đối soát chéo để tránh xảy ra nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc. Khi đã nộp HSDT thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm về hồ sơ đã nộp. Theo đó, trước khi quyết định tham dự thầu, nhà thầu nên ký hợp đồng nguyên tắc cung ứng hàng hóa khi trúng thầu với nhà cung cấp (nhà sản xuất hoặc nhà thầu thương mại) để bảo đảm tính chắc chắn về nguồn hàng, tránh tình trạng “tay không bắt giặc”. Nếu vi phạm về uy tín khi tham dự thầu, nhà thầu không những không được hoàn trả bảo đảm dự thầu, mà còn phải thực hiện bảo đảm dự thầu với giá trị cao gấp 3 lần ở những gói thầu khác trong 2 năm.
Tuy nhiên, trong những tình huống bất khả kháng như nhà sản xuất ngừng sản xuất, phá sản…, TS. Nguyễn Việt Hùng khuyến nghị, nếu nhà thầu cung cấp được các tài liệu làm bằng chứng thì bên mời thầu nên xem xét không đánh giá nhà thầu vi phạm uy tín khi tham dự thầu.