Gói thầu số 3 Thi công xây dựng hạng mục đường giao thông, thoát nước sử dụng ngân sách nhà nước huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Tường Lâm |
Gói thầu thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, trục chính các thôn Cổ Giang, Kim Hồ và tổ dân phố Toàn Thắng xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) – giai đoạn 2.
Nhà thầu không phục lý do bị trượt thầu
Gói thầu nêu trên sử dụng ngân sách nhà nước huyện Gia Lâm, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 29/5/2018 đến ngày 09/6/2018. Bên mời thầu (BMT) là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm (BQLDA).
Sau khi Nhà thầu SAS nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), ngày 15/6/2018, BMT gửi công văn qua đường email yêu cầu làm rõ HSDT. Tuy nhiên, BMT chỉ ghi nội dung rất chung chung là “bổ sung hồ sơ, tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm (năng lực, kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật)” mà không nói rõ nội dung nào cần giải trình như vốn, hợp đồng tương tự, biện pháp thi công, nhân sự, máy móc hay số liệu... Do đó, Nhà thầu đã gửi văn bản đề nghị BMT thông báo cụ thể hơn để có thể giải trình, hay bổ sung văn bản, tài liệu cần thiết có liên quan theo đúng quy định (Văn bản số 16/05/18/CVĐ-TĐVG ngày 16/6/2018).
Tuy nhiên, trong khi Nhà thầu SAS chưa nhận được phản hồi thì ngày 3/7/2018 nhận được Thông báo KQLCNT. Nhà thầu SAS cho rằng, BMT vin vào cớ Nhà thầu không nộp giải trình, vì không hiểu rõ yêu cầu bổ sung tài liệu, làm rõ HSDT để đánh trượt Nhà thầu là không thuyết phục. Mặc dù HSDT của Nhà thầu “đẹp” cộng với giá chào hợp lý, nhưng BMT lại chọn nhà thầu có giá chào cao hơn (Liên danh Công ty CP Dịch vụ và Phát triển Kim Ngân - Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Thăng Long, với giá trúng thầu là 12,184 tỷ đồng) trúng thầu là quá lãng phí ngân sách và không đảm bảo khách quan, công bằng.
Theo Thông báo KQLCNT của BMT, Nhà thầu SAS bị loại là vì HSDT không kèm theo các tài liệu chứng minh doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng tối thiểu là 19 tỷ đồng; nguồn lực tài chính thực hiện Gói thầu với giá trị là 3,7 tỷ đồng; công trình đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn; xác nhận của chủ đầu tư đối với những công trình mà ông Nguyễn Quang Trung đã đảm nhiệm vị trí Chỉ huy trưởng; thiếu giấy tờ chứng minh quyền sở hữu máy móc thiết bị của nhà thầu...
4 nhà thầu được yêu cầu làm rõ HSDT
Trước phản ánh của Nhà thầu SAS, một cán bộ của BMT phụ trách đấu thầu Gói thầu khẳng định với Báo Đấu thầu rằng: “Việc đưa ra yêu cầu làm rõ như trên là hoàn toàn bình thường. Tại sao các nhà thầu khác làm được mà Nhà thầu kiến nghị lại không làm được?”. Vẫn theo cán bộ này, ngoài lý do Nhà thầu SAS không gửi kèm tài liệu bổ sung, làm rõ, Đơn dự thầu của Nhà thầu SAS không nêu tiến độ thực hiện Gói thầu theo quy định nên được đánh giá là không hợp lệ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, với gói thầu nêu trên, có 6 nhà thầu mua HSMT và 5 nhà thầu nộp HSDT. Ngoài Nhà thầu SAS, 3 nhà thầu khác cũng được BMT yêu cầu bổ sung, làm rõ HSDT, gồm: Liên danh Công ty CP Dịch vụ và Phát triển Kim Ngân - Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Thăng Long; Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Chế biến lâm sản Thăng Long; Công ty CP Xây dựng và Thương mại đầu tư Tuấn Phát (Nhà thầu Tuấn Phát). Cả 3 nhà thầu này đều nhận được yêu cầu: “Bổ sung hồ sơ, tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm (năng lực, kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật) của nhà thầu theo quy định tại Mục 2 Chương III của HSMT”. Riêng Nhà thầu Tuấn Phát có nhận được thêm yêu cầu bổ sung hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp lệ của nhà thầu theo quy định tại Mục 1 Chương III của HSMT.