3 gói thầu trong Dự toán Cung cấp thuốc giai đoạn 2022 - 2023 thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia phải gia hạn tới 6 lần khi mời thầu. Ảnh: Tiên Giang |
3 gói thầu được phân chia theo khu vực. Trong đó, Gói thầu số 01 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022 - 2023 (Mã hiệu: ĐTTT.01.2021) có 86 mặt hàng với giá dự toán là 2.902 tỷ đồng.
Gói thầu số 02 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2023 (Mã hiệu: ĐTTT.02.2021) có 106 mặt hàng với giá dự toán là 1.837 tỷ đồng.
Gói thầu số 03 Cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022 - 2023 (Mã hiệu: ĐTTT.03.2021) có 106 mặt hàng với giá dự toán là 4.450 tỷ đồng.
Về phương pháp đánh giá về kỹ thuật, hồ sơ mời thầu (HSMT) áp dụng phương pháp chấm điểm với thang điểm 100. Theo đó, Bên mời thầu (BMT) sẽ dựa vào 9 tiêu chí đánh giá về chất lượng thuốc - chiếm 70% tổng số điểm và 5 tiêu chí đánh giá về đóng gói, bảo quản và giao hàng - chiếm 30%.
Tại Lễ mở thầu, BMT cho biết, tổng cộng có khoảng 82 nhà thầu tham dự, mỗi gói thầu trung bình có 50 lượt nhà thầu tham dự. Với số lượng mặt hàng và số nhà thầu tham dự lớn, nếu việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) thuận lợi thì trong khoảng từ 2 đến 4 tháng sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, có thể ký thỏa thuận khung, sau đó các cơ sở y tế trực tiếp ký hợp đồng cung cấp thuốc với nhà thầu trúng thầu.
Trước đó, 3 gói thầu được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu từ ngày 8/9/2021 và bắt đầu phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày 24/9/2021. Tuy nhiên, BMT đã phải gia hạn tới 6 lần đóng/mở thầu, kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022. Nguyên nhân là sau khi phát hành HSMT, BMT liên tục nhận được kiến nghị của một số nhà thầu, chủ yếu là nhà thầu ở khu vực phía Nam, đề nghị gia hạn thêm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thời điểm mở thầu 3 gói thầu đều rơi vào đợt dịch Covid-19 cao điểm nên các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nhân sự và chuẩn bị HSDT, tham dự mở thầu. Do đó, Bộ Y tế quyết định gia hạn thêm thời gian để tạo điều kiện thu hút thêm nhà thầu tham dự.
Mặt khác, trong quá trình phát hành HSMT, một số nhà thầu còn đề nghị rà soát lại Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022 - 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế. Từ kiến nghị này, BMT đã tổ chức đánh giá, rà soát lại kỹ lưỡng các mặt hàng trong Danh mục thuốc mời thầu. Tuy nhiên, sau khi rà soát và xin ý kiến của Bộ Y tế, BMT quyết định giữ nguyên Danh mục thuốc như đã thông báo mời thầu.
BMT khẳng định, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như việc điều chỉnh thời điểm đóng/mở thầu như vậy không làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục của các cơ sở y tế. Bởi vì, khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn như nêu trên, Bộ Y tế đã có văn bản thông báo hướng dẫn các sở y tế về việc chủ động nguồn cung, tự mua sắm để phục vụ kịp thời cho nhu cầu điều trị. Đến nay, không có phản ánh nào về việc gián đoạn cung ứng thuốc hay thiếu thuốc.
Gần đây nhất, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã tổ chức đấu thầu cho 4 gói thầu thuộc Dự toán Cung cấp thuốc cho năm 2020 - 2021 thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2019 với tổng dự toán 2.362 tỷ đồng.
Theo đó, Nhà thầu trúng Gói thầu số 1 Cung cấp biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị cho các cơ sở y tế trên toàn quốc gồm có: Công ty CP Dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội (trúng thầu 758,707 tỷ đồng) và Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (PHYTOPHARMA, trúng thầu 363,431 tỷ đồng).
Gói thầu số 2 (các tỉnh miền Bắc) có 6 nhà thầu trúng thầu, trong đó có Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 (52,232 tỷ đồng), Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định BIDIPHAR (21,454 tỷ đồng) và Liên danh Công ty UNI - Văn Lang (207,137 tỷ đồng)…
Gói thầu số 3 (các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên) có 6 nhà thầu trúng thầu, trong đó có: PHYTOPHARMA (10,438 tỷ đồng), Công ty TNHH Dược phẩm Văn Lang (38 tỷ đồng), BIDIPHAR (12,37 tỷ đồng)…
Gói thầu số 4 (các tỉnh miền Nam) có 6 nhà thầu trúng thầu, trong đó có: PHYTOPHARMA (41,836 tỷ đồng), BIDIPHAR (22,795 tỷ đồng)…