Giá cát tăng vượt sức chịu đựng của nhà thầu

(BĐT) - Giá cát tăng không thể kiểm soát, nhà thầu luôn kêu thiếu cát, công trình chậm tiến độ… đã buộc nhiều địa phương vừa kêu cứu, vừa mạnh tay cấm xuất cát ra ngoài tỉnh. Chưa bao giờ tình trạng khan hiếm nguồn cung cát lại ảnh hưởng nặng nề đến quản lý dự án sau đấu thầu như hiện nay.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung cát đang ảnh hưởng lớn đến việc quản lý dự án sau đấu thầu. Ảnh: Tường Lâm
Tình trạng khan hiếm nguồn cung cát đang ảnh hưởng lớn đến việc quản lý dự án sau đấu thầu. Ảnh: Tường Lâm

Kêu cứu cho nhà thầu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc điều chỉnh giá gói thầu do giá cát san lấp, cát xây dựng tăng cao đã chỉ ra một loạt hệ lụy do “bão” giá cát gây ra đối với các gói thầu đang trong giai đoạn thi công trên địa bàn tỉnh này. Cụ thể, do khan hiếm cát sông, không đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng san lấp, xây dựng công trình, dự án thuộc các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM nên có rất nhiều phương tiện đường thủy từ các địa phương tập trung về tỉnh Đồng Tháp và An Giang mua cát, khiến nhu cầu cát tăng đột biến, gây mất cân đối giữa cung và cầu, dẫn đến giá cát tăng mạnh trên thị trường, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và giá thành xây dựng công trình trên địa bàn Đồng Tháp. Hàng loạt công trình thi công theo hợp đồng trọn gói và theo đơn giá cố định phải tạm dừng do chi phí tăng cao một cách bất khả kháng, ngoài khả năng chịu đựng của nhà thầu.

Đồng Tháp đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế điều chỉnh giá hợp đồng đối với các gói thầu xây lắp đã có kết quả trúng thầu theo giá cũ và các hợp đồng đã ký kết, thực hiện theo hợp đồng trọn gói và theo đơn giá cố định.

Theo số liệu mà Đồng Tháp cung cấp, từ đầu năm 2017 đến nay, giá cát san lấp bán tại nơi khai thác đã tăng hơn 4 lần (từ 19.400 đồng lên 80.000 đ/m3); cát xây dựng (hạt nhuyễn) tăng từ 31.400 đồng lên 120.000 đồng và cát xây dựng (hạt trung) đều có tốc độ tăng phi mã gấp 3 lần. Nguyên nhân của tình trạng trên được Đồng Tháp cho rằng, sản lượng cung cấp cát cho thị trường đang có chiều hướng giảm, do trữ lượng các mỏ cát dần cạn kiệt, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng nên các tỉnh có mỏ cát siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản, tăng cường biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép…

Tình trạng giá cát tăng dẫn đến tăng chi phí thực hiện các gói thầu xây lắp đã trao thầu. Cụ thể, đối với công trình dân dụng (không tính san lắp mặt bằng) tăng khoảng 3 - 5% tổng chi phí thực hiện gói thầu; đối với công trình san lấp mặt bằng bằng cát, tăng trên 150% tổng chi phí thực hiện gói thầu và đối với các công trình giao thông tăng khoảng 6 - 15% tổng chi phí thực hiện gói thầu (riêng các gói thầu nền đường tăng trên 40%).

Phần lớn số gói thầu xây lắp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là gói thầu quy mô nhỏ (dưới 20 tỷ đồng) nên phải thực hiện theo hợp đồng trọn gói, một số hợp đồng theo đơn giá cố định, có rất ít hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh. Do đó, các nhà thầu khi triển khai thi công trùng thời điểm giá cát tăng cao (nhất là các gói thầu san lấp mặt bằng, nền đường) có nguy cơ thiệt hại kinh tế lớn và không thể hoàn thành hợp đồng, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án. 

“Ngăn sông cấm chợ”, công trình “khát” cát

Các công trình trọng điểm thuộc Bộ GTVT quản lý như cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… đang “căng như dây đàn” vì đây là những công trình sử dụng khối lượng cát khổng lồ, lên tới hàng triệu m3 cát mỗi công trình. Công ty CP BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng như Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, giá cát tăng khiến cho các công trình do những đơn vị này quản lý đội chi phí lên hàng trăm tỷ đồng và khả năng chậm tiến độ rất lớn.
Đồng Tháp là một trong hai tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đã trở thành tỉnh đi đầu trong việc chỉ ưu tiên cát khai thác được cho các công trình trọng điểm trên địa bàn. Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho biết, việc ưu tiên cát cho các công trình trọng điểm của Tỉnh được thực hiện rất quyết liệt và phù hợp với bối cảnh giá cát khó kiểm soát như hiện nay. Các tỉnh Vĩnh Long, An Giang cũng bằng nhiều hình thức đã ra lệnh cấm xuất cát ra tỉnh khác, ưu tiên cho công trình trong tỉnh. Tình hình này đã khiến nhiều tỉnh có trữ lượng cát ít trong khu vực này như Cà Mau, Bạc Liêu trở nên “khát” cát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu cát cho TP.HCM, Đông Nam Bộ tăng cao hơn bao giờ hết.

Tại miền Trung, bất ổn giá cát đã khiến cho nhiều tỉnh ban hành chỉ thị mạnh tay cấm bán cát ra ngoài tỉnh, khiến nhiều doanh nghiệp (DN), nhà thầu càng khó xoay sở. Trong tháng 7/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản cấm bán cát cho DN tỉnh ngoài. Theo đại diện UBND tỉnh Bình Định, hiện nhiều công trình trọng điểm như Quốc lộ 1D, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đang triển khai và cần khối lượng cát rất lớn phục vụ san lấp mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, đó là giải pháp để ổn định tình hình xây dựng đang rất lao đao hiện nay.

Ngay sát Bình Định, trong tháng 6/2017, Phú Yên đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, tạm dừng ngay việc vận chuyển cát, vật liệu thông thường ra ngoài tỉnh.

Trong khi các địa phương bằng mọi cách ưu tiên nguồn cát cho công trình trên địa bàn tỉnh mình thì TP.HCM - thị trường tiêu thụ cát lớn nhất - lập tức kêu cứu.  UBND TP.HCM có báo cáo Bộ Xây dựng và đề nghị UBND 19 tỉnh miền Đông và Nam Bộ chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh này yêu cầu các DN đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác hỗ trợ tăng nguồn cung để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng của TP.HCM.

Tin cùng chuyên mục