Dưới góc nhìn của nhiều nhà khoa học, nhà thầu kinh nghiệm thì nên đầu tư cáp ngầm. |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng mức đầu tư cho dự án này là 4.950,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 2.526,2 tỷ đồng, số vốn còn lại do EVN cân đối, bố trí.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kế hoạch thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho rằng, việc đầu tư đường dây cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo là rất cần thiết, việc đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió tại khu vực này đang có những hạn chế. Với nguồn điện diesel, căn cứ quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2020 có xét đến năm 2030, Tổng công ty đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư các công trình trong giai đoạn 2021 - 2025. “Tuy nhiên, nguồn điện này có nhược điểm là ô nhiễm môi trường. Về lâu dài không thể mở rộng và nâng công suất do hạn chế mặt bằng, tổn thất điện năng, chi phí vận hành cao”, ông Tuấn nói.
Với nguồn điện gió, theo quy hoạch được Bộ Công Thương duyệt gồm: Dự án Điện gió Côn Đảo 1 công suất 4 MW (vận hành năm 2016 - 2020), Điện gió Côn Đảo 2 công suất 3 MW (vận hành năm 2026 - 2035). Trong đó, Dự án Điện gió Côn Đảo 1 đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao cho Công ty Tài Nguyên Xanh. Song đến nay, công ty này chưa triển khai thực hiện do suất đầu tư lớn, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Về nguồn điện năng lượng mặt trời cũng có nhược điểm là tốn diện tích sử dụng đất trong khi quỹ đất tại Côn Đảo lại rất hạn chế, phần lớn là đất rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, nguồn điện mặt trời không ổn định do chịu ảnh hưởng của thời tiết và không thể phát điện vào ban đêm.
“Về lâu dài, cấp điện từ lưới điện quốc gia thông qua tuyến đường dây trên không kết hợp cáp ngầm 110kV từ trạm 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến điểm tiếp bờ gần mũi ĐK (huyện đảo Côn Đảo) vừa đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định lâu dài cho huyện đảo, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt bảo tồn rừng quốc gia và các di tích lịch sử”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về cơ hội cho nhà thầu trong nước ở Dự án, đại diện một doanh nghiệp xây lắp điện lớn ở miền Trung đánh giá, đưa điện ra đảo bằng cáp ngầm là công trình phức tạp. Về khả năng cung cấp vật tư, vị này cho biết, hiện một số nhà thầu trong nước có thể sản xuất, nhưng về chất lượng thì cần kiểm chứng thêm.
Khá lạc quan, một cán bộ của EVNSPC cho biết, Dự án Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc từ huyện Kiên Lương (Kiên Giang) ra TP. Phú Quốc dài 80 km hoàn toàn do nhà thầu trong nước, đội ngũ kỹ sư ngành điện tự khảo sát, tự thiết kế và thi công. Do vậy, đường dây ngầm đưa điện ra Côn Đảo dài hơn 100 km có thể là cơ hội cho nhà thầu trong nước.
Được biết, một số nhà thầu sản xuất cáp điện lớn trong nước như: Cáp điện Thịnh Phát, Cáp điện và hệ thống LS-Vina, Cadivi… cũng đã tham gia cung cấp hàng hóa cho nhiều dự án điện. “Khả năng cung ứng của nhà thầu trong nước ra sao thì phải chờ hồ sơ thiết kế cụ thể của dự án mới biết được”, đại diện Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát chia sẻ.
Trước đó, EVN đã có tờ trình, trong đó dự kiến xây dựng một số phương án với tuyến cáp ngầm biển đi từ Sóc Trăng đến Côn Đảo trên cơ sở xây dựng mới đường dây 110 kV, 1 mạch, chiều dài khoảng 102,5 km cũng như hệ thống cáp ngầm dưới đất 110 kV với chiều dài 6,1 km.