Đầu tư công năm 2024 tại TP.HCM: Dồn lực cho các dự án cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM là địa phương có nhu cầu vốn đầu tư công hàng năm rất lớn. Việc ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách trung ương lẫn ngân sách địa phương tại Thành phố được xác định rõ trọng điểm là dồn lực cho các dự án cấp bách, đang triển khai và có tiến độ tốt.
TP.HCM sẽ ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM sẽ ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách. Ảnh: Lê Tiên

Ưu tiên cho dự án đang triển khai

Theo báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công năm 2024, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.355,87 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Bộ KH&ĐT, số vốn ngân sách trung ương năm 2024 của Thành phố là 3.686,56 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước là 2.545,89 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương vốn nước ngoài là 1.140,67 tỷ đồng. UBND TP.HCM đã báo cáo HĐND Thành phố thống nhất việc phân bổ ngân sách trung ương theo đúng phương án đã báo cáo Bộ KH&ĐT.

Từ kế hoạch đầu tư công năm 2024 này, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước sẽ được TP.HCM bố trí cho các dự án trọng điểm đã và đang triển khai. Cụ thể, Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú được bố trí 500 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP.HCM (bao gồm kênh Thầy Thuốc) bố trí 500 tỷ đồng. Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh được bố trí gần 46 tỷ đồng. Dự án được bố trí số vốn nhiều nhất là Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) với 1.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, về vốn ngân sách trung ương vốn nước ngoài, TP.HCM có kế hoạch bố trí bố trí 867,67 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên); 100 tỷ đồng cho Dự án Cải tạo, phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM (Dự án SPR); 173 tỷ đồng cho Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 (WB).

Về kế hoạch đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, theo UBND TP.HCM, số vốn phân bổ cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố là 74.282,7 tỷ đồng. Trong đó, bố trí từ nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 4.749,2 tỷ đồng; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là 1.227,9 tỷ đồng; bố trí vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP là 6.814,8 tỷ đồng…

Đặc biệt, vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư sử dụng vốn ngân sách Thành phố tập trung là 58.431,6 tỷ đồng.

Theo đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM, cả nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sẽ được Thành phố ưu tiên bố trí để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cấp bách, trọng điểm.

Tiến độ thi công giữ vai trò quan trọng

Theo Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 248 tỷ đồng; chi phí xây lắp 2.317 tỷ đồng... Dự án có thiết kế 3 tầng với hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với trục đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Đây là dự án phức tạp, lưu lượng giao thông dày đặc, khó khăn cho công tác bố trí thi công. Tuy nhiên, các hạng mục thi công chính như khu vực mở rộng đường Mai Chí Thọ, khu vực rào chắn thi công, hầm chui An Phú, cầu Giồng Ông Tố, cầu Bà Dạt... đã được các nhà thầu tất bật thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng sạch.

Tại dự án này, Công ty CP Tập đoàn Cienco4 trúng Gói thầu XL5 Xây dựng hầm chui HC1-01 với giá 342,986 tỷ đồng; Công ty CP Xây lắp Thành An 96 được công bố trúng Gói thầu XL7 Xây dựng cầu Bà Dạt với giá 184,630 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng số 1 trúng Gói thầu XL6 Xây dựng hầm chui HC1-02 với giá trúng thầu 341,813 tỷ đồng. Các nhà thầu này cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ trong năm 2024 để bảo đảm kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, tại Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, sau lệnh khởi công 9 gói thầu (từ XL1 đến XL9), các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài tuyến 31,46 km, đi qua địa bàn 7 quận, huyện. Đây là dự án đi trong lòng đô thị TP.HCM, có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu khác như cầu giao thông, cống băng ngang kênh, đường ống cấp nước và lưới điện cao thế 110kV, 220kV, 550kV ảnh hưởng đến Dự án. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của các liên danh nhà thầu, 9 gói thầu đều đảm bảo tiến độ. Dự án hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao. Thậm chí, Gói thầu XL8 và Gói thầu XL7 đang “về đích” trước hạn để có thể đưa Dự án hoàn thành vào ngày 30/4/2025. Năm 2024 được đánh giá là năm bản lề, với khối lượng thi công tập trung rất lớn, quyết định sống còn đến việc về đích của toàn bộ Dự án.

Riêng với dự án sử dụng ngân sách trung ương vốn nước ngoài, TP.HCM ưu tiên cho tuyến metro số 1. Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, các vướng mắc pháp lý với nhà thầu quốc tế đều đã được xử lý để ưu tiên đưa Dự án về đích, vận hành thương mại trong năm 2024. Hiện khối lượng thi công Dự án đã đạt trên 96%, với số vốn bố trí trong năm 2024 là 867,67 tỷ đồng, Thành phố sẽ vận hành tuyến metro đầu tiên.

Tin cùng chuyên mục