Chọn dự án PPP thế nào để đạt hiệu quả?

(BĐT) - Lựa chọn dự án là bước khởi đầu rất quan trọng để có được thành công khi thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi lựa chọn dự án PPP là dự án đó phải thuộc diện ưu tiên đầu tư cao, có quy mô đủ lớn để đạt hiệu quả cao.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dự án nhỏ lợi ích không rõ, chỉ thấy thu phí

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực tiễn cho thấy, thực hiện dự án PPP nhỏ là không hợp lý. Các dự án PPP mất nhiều thời gian, chi phí chuẩn bị đầu tư để có được dự án tốt, ví dụ như các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thời gian chuẩn bị đầu tư, đấu thầu rộng rãi cần khoảng 3 năm. Vì thế, nên giới hạn dự án PPP quy mô phải lớn, có thể từ 1.200 tỷ đồng trở lên. Dự án nhỏ quá, làm vài km đường, hoàn thành xong thu phí, người dân sẽ thắc mắc, lợi ích không thấy rõ mà chỉ thấy thu phí.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính cũng cho rằng, các dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ công đáng lẽ phải là trách nhiệm của ngân sách nhà nước (NSNN). Với dự án nhỏ, NSNN nên bỏ ra làm. Việc thu hút đầu tư PPP là để thực hiện công trình kết cấu hạ tầng then chốt mà nguồn lực NSNN không thể đáp ứng đủ.

Từ thực tế thanh tra, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thể hiện quan điểm cổ vũ thu hút đầu tư PPP, nhưng để có chất lượng, tránh "đổ vỡ" thì nên thận trọng lựa chọn dự án, quy mô tối thiểu.

Nhiều chuyên gia quốc tế về PPP chia sẻ kinh nghiệm, dự án PPP luôn mất rất nhiều thời gian chuẩn bị và tốn kém chi phí giao dịch, nếu chọn dự án quá nhỏ thì sẽ lãng phí chi phí giao dịch. Do đó, nên chọn dự án đủ lớn, đồng thời cũng cần vừa tầm với kinh nghiệm quản lý của quốc gia. Đặc biệt, dự án đó phải thuộc ưu tiên cao của Chính phủ, không nên chọn dự án ở ưu tiên trung bình hoặc ưu tiên thấp.

Tại Dự thảo Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng cho rằng, hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ, vì vậy quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án xứng đáng để đầu tư, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến nguồn lực bị phân tán, mang lại hiệu quả đầu tư không cao. Chi phí chuẩn bị đầu tư để đưa một dự án PPP ra thị trường cũng khá cao, nếu thực hiện PPP cho dự án quy mô nhỏ sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, dự án với quy mô đủ lớn mới có tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. 

Dự thảo Luật PPP đề xuất quy mô dự án tối thiểu

Quy định về tổng vốn đầu tư để đủ hạn mức được đầu tư theo hình thức PPP thay đổi qua các giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Nghị định 108/2009/NĐ-CP không nêu hạn mức tối thiểu; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định hạn mức từ 20 tỷ đồng trở lên; Nghị định 63/2018/NĐ-CP đã bỏ quy định về hạn mức.

Theo Bộ KH&ĐT, thực tế, các dự án PPP ở nước ta trong thời gian qua được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng, và các dự án này đều có tổng vốn đầu tư lớn (chủ yếu thuộc nhóm A theo phân loại của Luật Đầu tư công 2014); các dự án có quy mô nhóm B trở xuống hầu hết được áp dụng loại hợp đồng BT.

Kinh nghiệm quốc tế quy định quy mô tối thiểu của dự án để thực hiện theo hình thức PPP. Ví dụ, Canada quy định 100 triệu USD; Australia, Singapore (50 triệu USD); Anh (25 triệu USD). Một số nước áp dụng quy mô nhỏ hơn như Brazil (2,7 triệu USD); Colombia (1,4 triệu USD). Bên cạnh đó, cũng có một số quốc gia không quy định hạn mức dự án thực hiện theo hình thức PPP như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines. Mặc dù không quy định hạn mức nhưng thực tế triển khai PPP tại các nước này thường chỉ tập trung vào các dự án có quy mô lớn.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật PPP, Bộ KH&ĐT đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định một hạn mức để dự án được đầu tư theo hình thức PPP. Tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên. Ngoài ra, qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án, chiếm 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, số dự án trên 200 tỷ đồng là 113/148 dự án, chiếm 76,35%).

Do đó, tại Dự thảo Luật PPP vừa công bố lấy ý kiến, Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP, chỉ đầu tư PPP đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên.

Tin cùng chuyên mục