Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Quản lý hiệu quả, triển khai thuận lợi

(BĐT) - Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách. 
Quá trình thực hiện Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Quá trình thực hiện Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025.

Sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách

Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật được mở rộng hơn, đã tác động, sửa đổi, bổ sung tới 69/108 điều, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 4 điều mới, dẫn tới kết cấu của Dự thảo Luật (mới) thay đổi, còn 106 điều.

Với việc sửa đổi mạnh mẽ, toàn diện này, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), thay thế cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công như đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/4/2018 và quy định tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội.

Theo đó, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu. Một là, Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, các địa phương về thống nhất trong giải thích từ ngữ, nhất là định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công; các quy định chung về phân loại nguồn vốn; phân loại dự án; phân loại kế hoạch đầu tư công; các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động đầu tư công...

Hai là, sửa đổi, bổ sung căn bản quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, mất nhiều thời gian nhưng không giúp cải thiện được chất lượng công tác chuẩn bị dự án.

Ba là, sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Đáng chú ý là Dự thảo Luật đã bổ sung phân loại và quy trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm theo phương pháp cuốn chiếu, phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công và kế hoạch tài chính, ngân sách cả trung hạn và hằng năm. 

Lưu ý một số nội dung tập trung sửa đổi

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là về quy trình, thủ tục thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn. Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Theo đó, một số vấn đề cần tập trung sửa đổi được Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, quy định, phân loại rõ các nguồn vốn đầu tư công và quy trình, thủ tục phù hợp với từng loại nguồn vốn; bổ sung phân loại dự án đầu tư công; điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh.

Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án. Bổ sung các nhiệm vụ, chương trình, dự án không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án trong trường hợp làm tăng quy mô, vượt tổng mức đầu tư, thay đổi phân loại dự án; sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; quy định về thời hạn giải ngân; thời hạn trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Luật hóa cụ thể thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, về sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; sửa đổi quy định về đánh giá tác động sơ bộ về môi trường trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường...

Cùng với đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá kỹ việc sửa đổi các quy định về tiêu chí xác định các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B, C và đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Đề nghị Chính phủ chưa bổ sung một số quy định: về kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm theo danh mục, giữ như quy định hiện hành, chỉ có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hàng năm; quy định nhằm mở quá rộng các dự án khẩn cấp, dự án thuộc đối tượng không phải xem xét, quyết định thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ nên cân nhắc một số quy định về thẩm quyền như thẩm quyền của cấp huyện trong quyết định đầu tư; thẩm quyền của thường trực HĐND; loại bỏ một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất với một số luật liên quan (các quy định về xác định một số khái niệm chưa thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước; về mở rộng phạm vi nợ xây dựng cơ bản...).

Bên cạnh đó, có ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chưa sửa đổi các quy định liên quan đến bổ sung đối tượng đầu tư công; các chương trình, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư vì thực tế đang triển khai không vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục