Hà Giang đề xuất xây trụ sở gần 700 tỷ đồng

Ngoài dùng vốn xây dựng cơ bản hằng năm, khoản thu từ đấu giá các trụ sở cũ, tỉnh Hà Giang đề xuất Chính phủ "hỗ trợ một phần".

Đề xuất cho phép địa phương xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan hành chính của tỉnh, gồm 2 tòa nhà, mỗi toà 12 tầng, vừa được ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang gửi Chính phủ.

Tỉnh đề xuất triển khai dự án theo hình thức đầu tư xây dựng, chuyển giao và cho thuê dịch vụ (hợp đồng BLT). Nguồn vốn đầu tư được thu xếp là vốn xây dựng cơ bản hàng năm của tỉnh vào khoảng 25 tỷ đồng mỗi năm trong 11 năm, tương đương 275 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn nguồn khác là khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất ở các trụ sở cũ, kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị. Tỉnh cũng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí.

Trung tâm hành chính tập trung có tổng vốn đầu tư hơn 565 tỷ đồng nhưng sẽ lên tới 692 tỷ đồng nếu tính gộp cả chi phí trả lãi vay (127 tỷ đồng). Theo tính toán của lãnh đạo tỉnh Hà Giang, thời gian trả cả gốc lẫn lãi của dự án là 11 năm. Thời gian có doanh thu, thu hồi vốn khoảng 9 năm.

Tỉnh cũng đề xuất những ưu đãi cho nhà đầu tư như không nộp tiền sử dụng đất, miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 7 năm tiếp theo...

Lý giải về việc cần xây dựng trụ sở mới, lãnh đạo tỉnh cho biết, cơ quan hành chính cũ được đầu tư từ năm 1990-1991 và nằm rải rác trên 3 phường với tổng diện tích hơn 30 ha lại xen lẫn với các trường học, khu dân cư, bệnh viện, sử dụng đất đô thị lãng phí. Các công trình hiện đã dần xuống cấp, cần nguồn vốn rất lớn để sửa chữa và cải tạo. Hơn nữa, theo lãnh đạo tỉnh, các công trình nằm cách xa nhau nên không tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc, vừa khiến việc sử dụng quỹ đất không hiệu quả.

Hà Giang là một tỉnh vùng núi phía Bắc - vùng nghèo nhất cả nước. Đây cũng là địa phương nằm trong diện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Trước đây, tỉnh Bình Dương đi đầu cả nước về việc xây dựng trung tâm hành chính mới, sau đó đến Đà Nẵng nhưng các công trình đều có một số bất cập về kỹ thuật, bố trí vốn đầu tư. Tuy nhiên, Thủ tướng sau đó cũng ra quyết định phải dừng chủ trương đầu tư xây dựng các Trung tâm hành chính tập trung để thẩm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm.

Tin cùng chuyên mục