Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 diễn ra ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực; có giải pháp hiệu quả hơn thu hút nguồn lực tư nhân, tổ chức thực hiện Luật PPP linh hoạt. Đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Nhiều dự án trọng điểm của ngành y tế bị chậm tiến độ giải ngân. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án trọng điểm của ngành y tế bị chậm tiến độ giải ngân. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Y tế, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ là 1.003,9 tỷ đồng, gồm 437,9 tỷ đồng vốn trong nước, 566 tỷ đồng vốn nước ngoài. Tính hết năm 2021, Bộ Y tế giao cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư 638,9 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện giải ngân, tính đến ngày 31/12/2021, Bộ Y tế đã giải ngân được 238,94 tỷ đồng/638,9 tỷ đồng, đạt 37,4% kế hoạch giao. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trong nước theo ngành, lĩnh vực là 238,94 tỷ đồng/433,9 tỷ đồng, đạt 55,1%; vốn đối ứng các dự án ODA và vốn ODA đều chưa giải ngân.

Đối với vốn năm 2020 chuyển sang năm 2021, giải ngân đến hết năm 2021 là 282,115 tỷ đồng, đạt 5,7% kế hoạch giao. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước theo ngành, lĩnh vực là 271,063 tỷ đồng, đạt 14,3%; vốn cho 2 bệnh viện tuyến cuối (Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2) là 10,191 tỷ đồng/, đạt 0,4% kế hoạch; vốn đối ứng các dự án ODA là 0,861 tỷ đồng/47,205 tỷ đồng, đạt 1,8%.

Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm là do 2 dự án tuyến cuối gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế điều chỉnh hợp đồng và gia hạn thời gian thực hiện dự án. Vì vậy, phần thi công xây lắp và mua sắm trang thiết bị y tế đang tạm dừng để chờ ý kiến của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, chậm giải ngân còn do một số nguyên nhân khác như: vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Nội tiết Trung ương TP.HCM)… Đối với các dự án ODA, do thiết kế ban đầu của các dự án song phương thường kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc, khó thống nhất. Đơn cử, Dự án Xây dựng cơ sở Bệnh viện Chợ Rẫy Hữu Nghị Việt Nhật sử dụng vốn ODA của Nhật Bản thông qua JICA, do Nhật Bản lập thiết kế, dự toán, mất nhiều thời gian làm rõ về quy định định mức trong xây dựng cơ bản theo Luật Xây dựng; Dự án Xây dựng mới cơ sở 2 của Trường Đại học Dược Hà Nội vay vốn Hàn Quốc phải tổ chức đấu thầu lại do hủy thầu.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công. Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm ngành y tế, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép Bộ Y tế gia hạn 2 dự án bệnh viện tuyến cuối đến hết năm 2022, điều chỉnh hợp đồng; đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn Bộ Y tế thực hiện việc điều chỉnh hợp đồng và cơ chế thanh toán hợp đồng.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện thể chế, ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đầu tư, mua sắm, đấu thầu, quản lý giá vật tư, trang thiết bị y tế và các quy định về giá dịch vụ y tế. Đổi mới cơ chế tài chính y tế. Đồng thời, huy động tổng nguồn lực từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án ODA, hỗ trợ trong và ngoài nước… để thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương làm sớm, làm ngay, làm khẩn trương việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở ngay sau khi chương trình tổng thể phòng chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành. Phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp từng tháng, từng quý, từng năm để hoàn thành nhiệm vụ này.

Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân 2022, diễn ra từ ngày 1/2 đến 28/2.