Đẩy mạnh phân cấp, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều ngày 14/5, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ. Trong đó, quy định về phân cấp thu ngân sách không còn phù hợp với xu hướng, diễn biến các khoản thu ngân sách, làm giảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW), trong khi chưa thực sự khuyến khích tính tự chủ của các địa phương. Quy định về phân cấp một số khoản thu giữa NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP) chưa phù hợp với yêu cầu thực tế cần phải củng cố vai trò chủ đạo của NSTW và cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Phân cấp chi ngân sách còn bất cập, một số nhiệm vụ chi theo phân cấp giữa NSTW và NSĐP chưa linh hoạt, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế.

Do đó, Dự thảo Luật bổ sung một số nội dung liên quan đến phân cấp ngân sách. Theo đó, bổ sung quy định về phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP để thay đổi căn bản phương thức phân chia so với Luật NSNN năm 2015 đối với các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường; theo đó tỷ lệ phân chia được quy định theo từng nhóm địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Quy định này nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP trong xác định nguồn lực giữa NSTW và NSĐP hằng năm và trong trung hạn.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng mới thực hiện phân chia NSTW (70%) và NSĐP (30%). Bổ sung quy định phần 30% thuế giá trị gia tăng sau khi trừ hoàn thuế phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí (dân số, diện tích...) và tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương. Quy định này nhằm mục đích phản ánh thực chất cân đối NSNN, NSTW; bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP.

Bổ sung quy định phân chia giữa NSTW và NSĐP từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo 2 nhóm các địa phương tự cân đối và không tự cân đối ngân sách (quy định trước đây là khoản thu NSĐP hưởng 100%).

Cơ sở đề xuất bổ sung là thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã đặt ra nhiệm vụ “có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương”, kiến nghị 2 khoản thu này phân chia giữa NSTW và NSĐP.

Đồng thời, để thực hiện quy định pháp luật về thu NSNN thống nhất trên cả nước, dự thảo Luật bãi bỏ khoản 7 Điều 34 Luật Thủ đô: “Ngân sách Thành phố được giữ lại toàn bộ phần NSTW được hưởng theo tỷ lệ phân chia các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố...”.

Trình bày báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, theo đó bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách.

Tuy nhiên, việc đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu cần được đánh giá thận trọng trên cơ sở: bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp; cần phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cho từng cấp chính quyền địa phương sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới; căn cứ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội được quyết định, việc phân cấp nguồn thu phải phù hợp với phân cấp nhiệm vụ chi của từng cấp, bảo đảm đủ nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Về tỷ lệ phân chia, để bảo đảm việc linh hoạt trong điều chỉnh tỷ lệ phân chia giữa các nguồn thu phân chia trong trường hợp có biến động lớn hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi NSNN giữa các địa phương, không phải trình Quốc hội sửa Luật, đa số ý kiến nhất trí với phương án chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.

Tin cùng chuyên mục