DB Insurance hiện nắm giữ 37,32% tổng số cổ phần của Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện. Ảnh: St |
Ngày 20/6, 100% số phiếu biểu quyết của cổ đông dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2022 của Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội đã thông qua việc nhóm gồm 21 cổ đông (bên chuyển nhượng) chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu, tương ứng 75% vốn điều lệ của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội cho DB Insurance (bên nhận chuyển nhượng). Nhóm cổ đông chuyển nhượng gồm Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (9.983.332 cổ phiếu, tương ứng 9,98% vốn điều lệ), Công ty CP Đầu tư và Tư vấn tài chính quốc tế (9.830.980 cổ phiếu, tương ứng 9,83% vốn điều lệ) và 19 cá nhân khác (55.185.724 cổ phiếu). Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch UPCom.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường của Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không vào đầu tháng 3/2023, cổ đông của tổng công ty này đã thông qua việc DB Insurance được nhận chuyển nhượng 75 triệu cổ phần (tương ứng 75% vốn điều lệ) từ 20 cổ đông (19 cá nhân và 1 tổ chức). DB Insurance đánh giá Bảo hiểm Hàng không là sự bổ sung có giá trị cho danh mục đầu tư, đặc biệt khi tổng công ty này có mạng lưới bán hàng và thị phần đáng kể trong lĩnh vực bảo hiểm ô tô.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội và Bảo hiểm Hàng không lần lượt đứng thứ 9 và 10 trong số các doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam năm 2022. Trong đó, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội chiếm 4,4% thị phần với doanh thu phí bảo hiểm gốc là 3.042,628 tỷ đồng, Bảo hiểm Hàng không chiếm 4,07% thị phần với 2.812,266 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Nếu cộng gộp, thị phần của 2 công ty bảo hiểm này lên đến 8,47%, đứng thứ 4 cả nước và chỉ xếp sau Công ty CP PVI (14,51%), Tập đoàn Bảo Việt (14,12%) và Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI, 9,06%).
Theo giới thiệu, DB Insurance được thành lập năm 1962 và đã phát triển thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2020, Công ty có tổng tài sản hơn 47,124 tỷ KRW (tương đương 926.000 tỷ VND), lợi nhuận sau thuế 2020 đạt hơn 502,2 tỷ KRW (tương đương 9.878 tỷ VND).
Về phía DB Insurance, doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc này từ lâu đã đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam và đang nỗ lực trở thành công ty dẫn đầu thị trường. Năm 2015, DB Insurance đã mua thành công 30 triệu cổ phần PTI (tương ứng 37% vốn điều lệ) để hiện diện tại Việt Nam.
Tại PTI, sau khi cổ đông lớn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn 22,67% thì nhóm cổ đông liên quan đến Công ty CP Chứng khoán VNDirect đang nắm giữ khoảng 42,33%. Trong khi đó, nhóm DB Insurance nắm tỷ lệ thấp hơn là 37,32% nhưng có quyền phủ quyết lớn tại PTI. Một ví dụ điển hình là tại ĐHCĐ thường niên 2022, cổ đông ngoại này đã dễ dàng phủ quyết 3 tờ trình tăng vốn do HĐQT PTI mà đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương đề xuất.
Sau khi tất cả các tờ trình phát hành thêm không được ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua, HĐQT PTI tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức ngày 30/6. Theo đó, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án phát hành gần 80,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
PTI hiện đứng thứ 3 về doanh thu nhưng xếp thứ 9 về quy mô vốn điều lệ so với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. HĐQT Công ty đánh giá, với quy mô vốn điều lệ nhỏ, PTI khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu. Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ còn hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Chính vì vậy, tăng vốn điều lệ giúp tăng cường năng lực tài chính, giúp Công ty có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn.
Quay trở lại 2 thương vụ của DB Insurance, nếu thành công, doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc này có thể chiếm tới 8,47% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam và xếp ngay sau PTI.