Ảnh: Lê Tiên |
Chia sẻ với Báo Đấu thầu trước thềm năm mới, các chuyên gia kinh tế cùng các doanh nghiệp (DN) đều mong muốn những rào cản đối với kinh tế tư nhân tiếp tục được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này ngày càng lớn mạnh.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Việt Nam đã thực thi nhiều cải cách quan trọng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số nút thắt trong tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia nhiều hơn cho sự tăng trưởng của kinh tế. Để duy trì vị trí là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mạnh mẽ với việc chú trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và giao thông.
Về lâu dài, khu vực tư nhân sẽ phải tham gia góp vốn sâu hơn cho các dự án hạ tầng, đây là giải pháp giúp Việt Nam duy trì tốt việc kiểm soát thâm hụt tài khóa.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam có nhiều cơ hội cho kinh tế tư nhân phát triển thông qua hấp thụ công nghệ, kinh tế kỹ thuật số. Đầu tư vào công nghệ tương lai như cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam tăng tốc phát triển. Trong bối cảnh này, việc nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng sở hữu tư nhân trong các ngành bấy lâu nay thuộc sở hữu của Nhà nước sẽ giúp mở rộng lợi ích xã hội, khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và thúc đẩy hiệu quả sự phát triển của khu vực tư nhân.
Riêng với năng lực của doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cần có các chương trình nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo và giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực đổi mới và quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy công nghệ, kết hợp đổi mới và bán dịch vụ, sản phẩm của họ cho các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM
Năm 2019, mặc dù chịu tác động rất lớn từ tình hình suy giảm kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Tuy vậy, ngành dệt may cũng gặp không ít thách thức. Các DN dệt may vẫn còn nhiều lo lắng về nguồn cung nguyên liệu, chế độ tiền lương, cơ chế chính sách và sự cạnh tranh của các DN nước ngoài trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng.
Điểm nghẽn lớn nhất đối với ngành dệt may là khâu đầu tư dệt nhuộm, với vô vàn thủ tục khó khăn, ngặt nghèo mà DN khó lòng đáp ứng được. Để khai thông điểm nghẽn này, Hội kiến nghị Chính phủ quan tâm đến việc đầu tư các khu công nghiệp tập trung chuyên ngành có nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm môi trường xanh sạch cho người dân và cũng để bảo đảm cho sản phẩm của ta xuất khẩu sang các nước được đón nhận.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ổn định cơ chế chính sách từ thuế, hải quan, lao động, tiền lương, bảo hiểm minh bạch, rõ ràng để DN yên tâm kinh doanh, không phải lo suốt ngày “đối phó” với những chính sách thay đổi liên tục.
Đặc biệt, không khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực may mà hãy để việc này cho các DN Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp dệt may.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, minh bạch là yêu cầu hàng đầu, có tính quyết định nhất. Đồng thời cần nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, bảo đảm tính phục vụ và trách nhiệm giải trình. Đồng thời, quan tâm giải quyết tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản do có xuất hiện yếu tố “rủi ro” trong thi hành công vụ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Năm 2016, chúng ta đã có một làn sóng đổi mới tích cực khi dẹp bỏ được hàng ngàn điều kiện kinh doanh và chính thức hóa những điều kiện kinh doanh cần thiết trong các nghị định của Chính phủ. Tiếp đó, năm 2018, chúng ta cũng thành công trong việc cắt giảm cũng như đơn giản hóa đồng loạt 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây cũng là một làn sóng để giải phóng cho DN.
Tôi hy vọng năm 2020 sẽ là năm chúng ta tổng rà soát, tiếp tục xóa bỏ những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh thông qua giải quyết những điểm xung đột, chồng chéo của pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Nguồn lực trong dân không thiếu, nguồn lực đầu tư nước ngoài đang tiếp tục xu hướng “đổ” vào Việt Nam… Nếu giải quyết điểm nghẽn chồng chéo của pháp luật đầu tư kinh doanh thì năm 2020 sẽ mở đầu cho giai đoạn bùng nổ mới về đầu tư kinh doanh của các DN trong và ngoài nước vào Việt Nam.
Cùng với đó, tôi mong rằng trong năm 2020, Quốc hội sẽ thông qua Luật DN (sửa đổi) với việc chính thức hóa các hộ kinh doanh như một loại hình DN. Bằng cách này sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ cho một khu vực DN quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế nước ta (chiếm 30% GDP). Khi đó, hộ kinh doanh được hỗ trợ, được bảo vệ, được minh bạch hóa, từ đó có thể tham gia vào thị trường toàn cầu. Và mục tiêu năm 2020 cả nước có 1 triệu DN sẽ không còn là vấn đề nếu như chúng ta có những cải cách, đổi mới Luật DN theo hướng này.
Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương)
Từ năm 2014 đến nay đều có nghị quyết 19 ban hành qua các năm, môi trường kinh doanh của chúng ta đã cải thiện. Năm 2019 này, năng lực cạnh tranh quốc gia đã tăng 10 bậc.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh luôn bị hạn chế bởi thể chế, chính thể chế tạo ra khuôn khổ và giới hạn của cải cách môi trường kinh doanh. Lâu nay chúng ta vẫn kêu gọi cải cách thể chế thế nhưng cải cách cái gì tập trung vào đâu hiện chưa rõ.
Theo tôi, cải cách thể chế cần tập trung vào 2 nội dung:
Một là cải cách chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu hiện gây ra hai hạn chế như chế độ hạn điền của Luật Đất đai đang ngăn cản tạo được khu vực sản xuất lớn, hình thành chuỗi giá trị. Hạn chế thứ hai xuất phát từ việc doanh nghiệp nhà nước hiện nay chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và trong nhiều lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước vẫn độc quyền, điều này hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Cho nên phải cải cách chế độ sở hữu, tập trung vào 2 việc là chế độ sở hữu đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Nội dung thứ hai cần cải cách là cơ chế quản trị quốc gia. Trong cơ chế quản trị quốc gia có hệ thống luật pháp và có hệ thống cơ chế vận hành của nó, vận hành thông qua tổ chức. Tổ chức như một cơ thể sống, tổ chức là đường dẫn cơ chế chính sách từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Cơ chế quản trị quốc gia trong đó có bộ máy tổ chức cực kỳ quan trọng.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group)
Năm 2019, chúng ta chứng kiến sự sôi động hơn bao giờ của thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân trong mảng năng lượng tái tạo.
Tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có 98 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.880MW được đưa vào vận hành, chiếm gần 9% tổng công suất nguồn điện cả nước; trong đó, có 89 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 4.440MW. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời).
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh này dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo như vấn đề nhân sự vận hành, công tác quản lý vận hành, quá tải hệ thống truyền tải điện quốc gia…
Vì thế, tôi mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện khuyến khích điện mặt trời để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục khai thác tối ưu nguồn năng lượng từ mặt trời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng gia tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc đối với hoạt động bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển cũng như cải thiện hệ thống truyền tải của lưới điện quốc gia đáp ứng được nhu cầu giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời đang triển khai đầu tư khi vận hành hòa lưới.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO)
Hiện Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển sản phẩm ô tô thương hiệu Việt Nam hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới. Chủ trương lớn này đã được Bộ Công Thương triển khai quyết liệt với việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Thực hiện Chiến lược, thời gian qua, THACO đề ra chiến lược tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ô tô quốc tế sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN. Năm 2019, THACO xuất khẩu được 186 xe sang Philippines, Thái Lan, Myanmar… và nhiều linh kiện phụ tùng. Đây là tiền đề để THACO đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Chúng tôi đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai (Quảng Nam) theo hướng tự động hóa và quản trị số hóa để sản xuất theo yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước…
Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng ô tô. Việc sản xuất và xuất khẩu được ô tô cũng như linh kiện ô tô cơ khí có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định khả năng hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ, góp phần giảm nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại; đồng thời, mở rộng thị trường cho DN.