Để người dân mở “hầu bao”

(BĐT) - Huy động vốn nhàn rỗi trong dân đang trở thành câu chuyện đáng bàn khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân, bao gồm cả vàng và tiền, nhằm tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Người dân tích trữ vàng vì chưa tìm được kênh đầu tư hấp dẫn hơn
Người dân tích trữ vàng vì chưa tìm được kênh đầu tư hấp dẫn hơn

Vấn đề này cũng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận từ câu chuyện Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng hiện đang còn khoảng 500 tấn vàng đang “ngủ quên” trong dân và nhà điều hành cần “đánh thức” nguồn lực này.

Rõ ràng, nếu nhìn về mặt số học, 500 tấn vàng tương đương 20 tỷ USD. Nếu huy động được khối lượng vàng này để đưa vào đầu tư, kinh doanh sẽ tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vàng vốn là kim loại quý nhạy cảm và có thể “nhảy múa” không báo trước. Do đó, rủi ro mà kim loại quý này gây ra cũng rất nguy hiểm.

Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều cách để “đánh thức” nguồn lực này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp trực diện để huy động nguồn lực này không khả thi.

Theo PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính  thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, muốn loại bỏ tâm lý găm giữ vàng thì phải vô hiệu hóa lợi ích của việc găm giữ đó. Biện pháp hữu hiệu nhất là tạo sự ổn định cho nền kinh tế, tăng sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác. Khi đó, người dân sẽ tự nguyện bán vàng để chuyển kênh đầu tư. Còn với bất kỳ hình thức huy động trực tiếp bằng vàng nào cũng sẽ dẫn đến sự quay lại hay gia tăng tình trạng vàng hóa, điều mà nhà điều hành đã nỗ lực suốt thời gian qua để giảm thiểu.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học Viện Tài chính - Bộ Tài chính) nhận định, giải pháp lâu dài là ổn định kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh tốt lên, người dân làm ăn dễ dàng, tự khắc họ sẽ chuyển vàng thành tiền để đầu tư làm ăn.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Độ, việc Nhà nước vay hay cho vay bằng vàng nói chung là rủi ro, bởi giá vàng rất khó đoán. Thực chất, những năm 2000, lạm phát thấp, lãi suất cao, người dân tích trữ vàng nhiều. Thời điểm đấy Chính phủ cho phép huy động vàng để cho vay. Điều đó đã giúp giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài sẽ gặp rủi ro khi giá vàng biến động.

Ông Nguyễn Đức Độ dẫn chứng, làm một phép so sánh, đầu những năm 2000, giá vàng thế giới vào khoảng 250 USD/ounce, đến năm 2011, giá đã lên tới 1.800 USD/ounce. Như vậy, trong khoảng 10 năm, vàng tăng gần 10 lần, tính ra là 20%/năm, vậy kinh doanh gì để trả được lãi suất đấy? Cho nên chuyện đi vay vàng rủi ro cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ người dân tích trữ vàng chủ yếu là do họ lo lắng lạm phát sẽ làm tiền đồng mất giá, cùng với đó là họ chưa tìm ra được kênh đầu tư nào hiệu quả. Do đó, mục tiêu quan trọng vẫn là làm sao để người dân có kênh đầu tư hiệu quả, hấp dẫn hơn việc tích trữ vàng. Từ đó, họ sẽ không tích trữ vàng, mà sử dụng nguồn lực tiền tệ của mình cho các mục tiêu đầu tư, phát triển, sinh lợi, kể cả trực tiếp hay gián tiếp.

Ông Trần Quang Vũ, chuyên gia kinh tế, cho rằng, từ năm 1986, tiền mất giá, trầm trọng nhất là vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Đầu năm bán đi con lợn tạ, gửi vào ngân hàng, lãi suất lên đến 12%/tháng, đến cuối năm cộng cả tiền vốn ban đầu nhưng không mua nổi con lợn giống nữa. Và chính điều đó làm mất lòng tin. Trong khi đó, giữ vàng thì không kinh doanh nhưng nếu so với tiền nó còn hơn cả mọi kênh kinh doanh khác. Vì thế nên người dân có xu hướng giữ vàng trong nhà.

Gần đây, đã xuất hiện nhiều trường hợp người dân gửi tiền tiết kiệm trị giá cả chục cây vàng nhưng sau khoảng vài chục năm khối tài sản ấy chỉ tương đương vài bát phở. Câu chuyện của ông Lê Minh Toán ở Hà Nội là một dẫn chứng.

Có đến hơn chục cuốn sổ tiết kiệm, với hơn 20 năm gửi, ông Toán hy vọng sẽ nhận được nhiều, tuy nhiên với số tiền gửi 4.100 đồng, thời điểm hơn 20 năm trước tương đương với rất nhiều vàng, qua 25 năm chỉ còn hơn 100.000 đồng, tương đương 4 bát phở. Đấy là chưa kể ông đã mất rất nhiều công sức để đi tìm nơi mà ông đã gửi 20 năm trước.

Theo giới phân tích, trong trường hợp này thì ngân hàng không sai, bởi khi gửi tiết kiệm, người gửi biết lãi suất như thế nào và kỳ hạn gửi. Sơ suất của người gửi tiền là không kiểm tra theo dõi thường xuyên, không rút đúng thời điểm hợp lý dẫn đến thời điểm này đồng tiền mất giá.

Dù hiện nay gửi tiền tiết kiệm đang là kênh khá an toàn, tuy nhiên nhiều người dân vẫn lo ngại liệu 20 năm nữa hàng chục cây vàng của họ sẽ chỉ còn “vỏn vẹn” 4 bát phở? Muốn huy động vốn từ người dân, câu chuyện niềm tin rất quan trọng!

Và giải pháp căn cơ nhất trong bối cạnh hiện nay là ổn định nền kinh tế. Việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, thị trường vàng một cách đồng bộ, linh hoạt sẽ giúp góp phần quan trọng cho ổn định vĩ mô. Từ đó, tính ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng sẽ tiếp tục được củng cố và giúp gia tăng hơn nữa niềm tin vào tiền đồng.

Tin cùng chuyên mục