Đề xuất chỉ định DN quốc phòng làm cao tốc Bắc - Nam: Ứng cử viên nào sáng giá?

(BĐT) - Bộ Quốc phòng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vào diện ưu tiên được chỉ định thầu thực hiện 3 dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước. 
Các doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã thi công nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, trong đó có nhiều dự án, gói thầu giao thông lớn
Các doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã thi công nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước, trong đó có nhiều dự án, gói thầu giao thông lớn

Ngoài Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - doanh nghiệp được trực tiếp "tiến cử", một số doanh nghiệp khác thuộc Bộ Quốc phòng cũng có năng lực mạnh, từng thực hiện nhiều công trình, dự án lớn nhưng chưa có tên trong danh sách.

Đề nghị ưu tiên doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng

Tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công thuần túy đối với các dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Bộ GTVT đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần sang đầu tư công thuần túy gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (12.918 tỷ đồng); đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (6.333,06 tỷ đồng); đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (14.359,7 tỷ đồng). 

Nếu các gói thầu thuộc 3 dự án này chỉ định nhà thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị cần đảm bảo các nguyên tắc quy định tiết kiệm 5 - 7% so với dự toán được duyệt của các gói thầu được chỉ định; xây dựng quy chế thưởng phạt rõ ràng với nhà thầu.

Theo một số ý kiến, cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án huyết mạch trọng điểm của đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng là yếu tố quan trọng. Đây cũng là một trong những lý do được Bộ GTVT đưa ra khi quyết định chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước đối với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT của Dự án. Vì thế, việc doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện các gói thầu cũng sẽ phù hợp với yếu tố này. Ngoài ra, xét về năng lực và kinh nghiệm, trong những năm qua, các doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã trực tiếp tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm, trong đó có nhiều dự án, gói thầu giao thông lớn.

Năng lực các “ông lớn” quốc phòng ra sao?

Doanh nghiệp xây dựng lớn thuộc Bộ Quốc phòng có thể kể đến như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789, Tổng công ty Thành An…

Tổng công ty 319 “bén duyên” sớm với dự án PPP giao thông, với Dự án BOT Nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai (khoảng 2.000 tỷ đồng); Dự án BOT Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Nghi Sơn (Thanh Hoá) - Cầu Giát (Nghệ An) (hơn 3.600 tỷ đồng), Dự án BOT kết hợp BT Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 20 từ Bảo Lộc đi Đà Lạt (hơn 4.000 tỷ đồng); Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (4.213 tỷ đồng); Dự án BT Đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa (giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng)… Trong vài năm trở lại đây, Tổng công ty 319 cũng trúng nhiều gói thầu hạ tầng giao thông lớn với vai trò nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh. Mới nhất là gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) với giá trúng thầu 535 tỷ đồng; Gói thầu số 16 thuộc Dự án Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong (311 tỷ đồng); Gói thầu số 1 thuộc Dự án Công trình đường ven sông Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang (216 tỷ đồng)...

Tổng công ty Thành An vừa trúng Gói thầu XL1 thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông với giá trúng thầu 547 tỷ đồng. Trước đó, Tổng công ty Thành An là nhà đầu tư Dự án BOT Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063+877 đến Km 1092+577 tỉnh Quảng Ngãi; Dự án BOT Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1125 đến Km 1153 tỉnh Bình Định. Trong vai trò nhà thầu, Thành An tham gia vào một số gói thầu thuộc nhiều dự án lớn, như Nút giao Đồng Văn và mở rộng Quốc lộ 1A; Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đường Trường Sơn Đông; Quốc lộ 1A đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang; Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đoạn Đăkrông - Tà Rụt;… Trong đó có nhiều gói thầu liên danh với Tổng công ty 789.

Về Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, chỉ tính những gói đang trong thời gian thực hiện, có thể kể đến Gói thầu 06-OFID.EC thuộc Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng (1.022 tỷ đồng); Gói thầu xây lắp số 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (252 tỷ đồng); Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 782 - Đường tỉnh 784 (từ ngã ba tuyến tránh Quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình) (203 tỷ đồng)…

Cuối năm 2019, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 319 cùng là thành viên trong liên danh trúng 2 gói thầu xây dựng đường tại Kiên Giang, với tổng giá trúng thầu 2 gói gần 1.000 tỷ đồng.

Tại Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Xây dựng Trường Sơn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu XL2 thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, giá trúng thầu 619 tỷ đồng.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng nhiều gói thầu hạ tầng khác có giá trị rất lớn, như Gói thầu số 17 thuộc Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình (608 tỷ đồng); Gói thầu số 04-XL thuộc Dự án Hồ chứa nước Ea H’leo 1, tỉnh Đắk Lắk (412 tỷ đồng);…

Nếu được chỉ định thầu thêm 3 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cần huy động tối đa nguồn lực tài chính, thiết bị, nhân công… để thực hiện đồng thời, đảm bảo tiến độ, chất lượng nhiều gói thầu lớn.