Đề xuất đổi cách quản lý nguồn thu từ cổ phần hoá, thoái vốn

(BĐT) - Tiền thu từ cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) do Bộ Tài chính quản lý. Điều này là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Trong khi đó, vẫn còn tình trạng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nguồn thu này.
Bộ Tài Chính đề xuất nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ nộp trực tiếp về ngân sách nhà nước, phân cấp giữa ngân sách trung ương và địa phương. Ảnh: Tiên Giang
Bộ Tài Chính đề xuất nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ nộp trực tiếp về ngân sách nhà nước, phân cấp giữa ngân sách trung ương và địa phương. Ảnh: Tiên Giang

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giai đoạn năm 2016 đến năm 2019, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp về Quỹ là 177.761 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp về Quỹ là 5.005 tỷ đồng. Quỹ đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển vào ngân sách nhà nước giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến 30/6/2019 số tiền là 185.000 tỷ đồng.

Theo quy định hiện nay, toàn bộ nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN, doanh nghiệp do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ để chi phục vụ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và chi chuyển vào NSNN để đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hoá và thoái vốn vẫn còn một số điểm hạn chế, vướng mắc do bị điều chỉnh bởi các nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Cụ thể, theo quy định của Luật NSNN năm 2015, các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương. Việc thu vào NSNN được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật NSNN.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được nộp vào ngân sách trung ương thông qua Quỹ và các địa phương đang thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, Quốc hội, Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đồng ý hoặc đang xem xét để lại nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số địa phương như: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Tây Ninh.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, chế độ thu nộp, báo cáo về Quỹ.

Để giải quyết được các bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Theo đó, thay đổi mô hình quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thay vì thu về Quỹ như hiện nay thì sẽ nộp trực tiếp về NSNN, phân cấp thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN.

Cụ thể, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu được nộp về ngân sách trung ương. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu được nộp về ngân sách địa phương.

Về chi, Bộ Tài chính đề xuất tách thành 2 nhóm để tổ chức thực hiện chi phù hợp với tính chất khoản chi. Theo đó, nhóm 1 bao gồm các khoản chi thường xuyên, gồm: chi xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế; chi phí liên quan đến cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác; chi phí liên quan đến thoái vốn nhà nước. Nhóm 2 là các khoản chi đầu tư phát triển, gồm: đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp nhà nước, bổ sung vốn nhà nước cho doanh nghiệp; mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và các khoản chi khác theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ngân sách trung ương và Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với ngân sách địa phương.

Về đề xuất này của Bộ Tài chính, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho là hợp lý bởi một số lý do. Trước hết, xu thế chung và cần thiết hiện nay là giảm bớt các quỹ tài chính ngoài NSNN, để giảm đầu mối quản lý, tránh cồng kềnh cho bộ máy hành chính. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện xong việc cổ phần hoá và thoái vốn, chủ yếu chỉ còn các doanh nghiệp nhà nước lớn nên đầu mối quản lý nguồn thu không còn quá nhiều. “Thực tế, Quỹ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai đoạn cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước vừa qua, nên việc dừng hoạt động là phù hợp”, ông Ánh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục