Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất, thuê mặt nước hằng năm (gọi là người thuê đất, thuê mặt nước).
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đang được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai) và pháp luật khác có liên quan.
Dự thảo nêu rõ, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2023 đối với người thuê đất, thuê mặt nước quy định nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất, thuê mặt nước còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Mức giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đang được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất, thuê mặt nước thì mức giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật.
Về tác động tới nguồn thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số tiền thuê đất giảm theo dự thảo Quyết định khoảng 3.500 tỷ đồng (tương đương với số tiền thuê đất dự kiến giảm của năm 2022). Số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nhà nước nói chung nhưng sẽ có tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, từ đó tăng thu ngân sách từ thuế để bù đắp cho số giảm thu do giảm tiền thuê đất.