Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất thuế TNDN 17% đối với DN có tổng doanh thu từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng/năm. Ảnh: Lê Tiên |
Thái Lan từng miễn thuế TNDN cho DNNVV
Theo Luật Thuế TNDN 2013, thuế suất thuế TNDN với DNNVV hiện là 20%. Tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN hỗ trợ, phát triển DNNVV đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế suất này theo doanh thu hàng năm và quy mô lao động của DN.
Cụ thể, miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh. Áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Áp dụng thuế suất 17% đối với DN có tổng doanh thu từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng/năm và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Thuế suất đề xuất nêu trên dù đã giảm nhưng vẫn rất cao so với các nước trong khu vực. Tại Indonesia, DN có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupiah (khoảng 7,85 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất thuế TNDN 1% tính trên doanh thu năm. DN có doanh thu từ 4,8 tỷ rupiah đến 50 tỷ rupiah được áp dụng thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupiah.
Tại Thái Lan, điều kiện giảm thuế tính theo thu nhập chịu thuế thay cho doanh thu. Theo đó, các DNNVV có thu nhập chịu thuế theo năm từ 300.000 baht (khoảng 220 triệu đồng) trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 baht được áp dụng thuế suất 15% và trên 3.000.000 baht áp dụng thuế suất phổ thông 20%. Đặc biệt, trong năm 2016, Chính phủ nước này đã miễn hoàn toàn thuế TNDN cho DNNVV.
Tại Singapore, các DNNVV chịu thuế suất 0% đối với thu nhập tính thuế theo năm không quá 100.000 SGD (khoảng 1,71 tỷ đồng); 8,5% đối với thu nhập tính thuế từ trên 100.000 SGD đến không quá 300.000 SGD.
Tại Trung Quốc, các DN chỉ phải nộp thuế TNDN ở mức 5% đối với 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,45 tỷ đồng) thu nhập tính thuế đầu tiên và 10% cho 2 triệu nhân dân tệ thu nhập tính thuế tiếp theo.
Nhận xét về mức giảm thuế ít ỏi theo đề xuất của Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nói: “Về nguyên tắc tài chính, Nhà nước cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu. Tức là phải tạo điều kiện cho DN có nguồn lực phát triển thì mới có nguồn thu. Việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế cho DNNVV là tích cực, tuy nhiên, mức giảm thuế vẫn còn quá ít, đặc biệt là chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”.
Tính theo doanh thu và lao động là chưa đủ
Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết nêu trên là đưa ra tiêu chí về quy mô lao động và doanh thu của DN để giảm thuế. Trong khi đó, tại Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, tiêu chí phân chia đối tượng DN rất đa dạng, bao gồm cả tổng doanh thu, số lượng lao động, số vốn cũng như ngành nghề, lĩnh vực.
Thông tin về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, việc sử dụng tiêu chí vốn hay phân biệt theo lĩnh vực, ngành nghề làm cơ sở xác định đối tượng DN được ưu đãi sẽ có bất cập.
“Đặt trong xu thế DN sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực hiện nay, thì tổng số vốn ghi trên bảng thống kê tài sản bao gồm cả vốn đăng ký và vốn vay không phản ánh đúng quy mô hoạt động của DN”, bà Hằng phân tích và nói thêm: “Trên thực tế, con số về vốn đăng ký và vốn vay không có nhiều ý nghĩa cho công tác quản lý của Nhà nước đối với DN. Vì vậy, việc sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau theo từng ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi sẽ tạo khó khăn cho cả việc thực hiện của DN cũng như công tác quản lý của cơ quan thuế”.
Cũng theo vị Phó Vụ trưởng này, việc sử dụng tiêu chí doanh thu có ưu điểm là phản ánh thực chất tình hình sản xuất kinh doanh của DN và phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Quốc hội đã từng ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DNNVV với những ưu đãi được xác định căn cứ trên tiêu chí doanh thu và lao động.
Không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Trí Long cho rằng, chỉ dựa vào hai tiêu chí doanh thu và lao động là chưa đủ. Theo đó, cần xét cả lĩnh vực hoạt động, vùng miền hoạt động để có chính sách thúc đẩy phát triển phù hợp cho từng ngành nghề, từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.
“Dự thảo Nghị quyết này cho thấy, cơ quan quản lý túi tiền của Nhà nước dường như vẫn chưa thật sự “cởi mở hầu bao”. Bộ Tài chính cần tính toán thoáng hơn nữa để thật sự tạo điều kiện cho DN phát triển. Mặt khác, cần chú trọng kiểm soát việc thực hiện nghiêm các tiêu chí giảm thuế, tránh hiện tượng lợi dụng để ưu đãi tràn lan và gây thất thu cho ngân sách nhà nước”, ông Long nhấn mạnh.