Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính là không phù hợp thực tế trong bối cảnh giá cả hàng hóa liên tục leo thang. Ảnh: st |
Chậm và không phù hợp thực tế
Tại công văn lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Cơ sở để đưa ra đề xuất này là căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân): “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 (ngày có hiệu lực của Luật số 26/2012/QH13) tăng 23,2%.
PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc điều chỉnh như vậy là quá muộn, bởi CPI đã tăng vượt mức 20% từ khá lâu. Mặt khác, quy định phải lấy ý kiến rồi mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua là khá mất công nên càng chậm. Việc vận dụng quy định “phù hợp với biến động của giá cả” thành CPI tăng bao nhiêu thì giảm trừ gia cảnh tăng bấy nhiêu là cứng nhắc và không phù hợp thực tế”.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, con số 20% đã được quy định tại Luật nhưng CPI cứ tăng mà cơ quan chức năng vẫn loay hoay mãi mới đề xuất điều chỉnh.
“Việc chờ đến lúc CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh là không hợp lý. Bởi vì, trong trường hợp, lạm phát chỉ chạm mức 20% kéo dài trong nhiều năm, thì người nộp thuế sẽ chịu thiệt.
Cần thay đổi tư duy
Bên cạnh việc chưa tán thành về thời điểm đề xuất giảm trừ gia cảnh, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần nhanh chóng tính đến việc sửa luật theo hướng thay đổi tư duy làm luật, đặc biệt là thay đổi căn cứ tính giảm trừ gia cảnh.
Theo ông Ngô Trí Long, biến động của CPI chỉ nên xem là một trong những căn cứ xem xét để điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, bên cạnh đó cần tính đến các biến số khác như tăng trưởng kinh tế, mức sống của người dân, mức sống của các khu vực khác nhau.
“Chi phí sinh hoạt tối thiểu của người dân ở các thành phố lớn chắc chắn cao hơn hẳn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa. Thế nhưng mức giảm trừ gia cảnh lại áp dụng bằng nhau là chưa hợp lý”, ông Long nói.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, nên làm rõ triết lý và nguyên tắc ấn định mức giảm trừ gia cảnh. “Tại sao mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gấp 1,5 lần, mà mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau?”, ông Đức phân tích.
Cũng theo Luật sư Đức, cần giảm 7 bậc tính thuế xuống còn 4 - 5 bậc thuế và giảm thuế suất bậc đầu tiên cũng như bậc cuối cùng. Nếu giảm thuế suất bậc 1 từ 5% hiện nay xuống còn 1 - 2% chẳng hạn thì sẽ không còn quá quan trọng trong việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, mà có thể giữ ổn định hàng chục năm, cho dù lạm phát lớn, vì mức độ biến động thấp, sẽ không bị phản đối mạnh mẽ như những năm qua.
Về việc tuân thủ nghĩa vụ thuế, theo Luật sư Trương Thanh Đức, cần tạo điều kiện cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ trong trường hợp có nhiều nguồn thu nhập. Chẳng hạn, đến hết quý I hàng năm, ngành thuế đã có trong tay đầy đủ số liệu thuế của mỗi cá nhân thì chỉ cần thông báo là người nộp thuế sẽ nộp đủ, thay vì để người nộp thuế phải loay hoay thu thập chứng từ, cộng trừ tính toán quá khó để khớp đúng được số liệu, dẫn đến luôn phải chấp nhận làm chậm và phải chịu phạt. “Nếu không làm được điều đơn giản như thế thì cần sửa luật, thu thuế dứt điểm đối với từng khoản thu nhập giống như với thu nhập từ cổ tức, xổ số hay bán nhà đất hiện nay”, ông Đức nhấn mạnh.