Đề xuất gỡ vướng trong đấu thầu vật tư hóa chất xét nghiệm

(BĐT) - Ngoài việc liên doanh, liên kết, thuê tài sản đã được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, thì hiện nay một số cơ sở y tế (CSYT) còn thực hiện hình thức cho nhà thầu trúng thầu vật tư hóa chất (VTHC) đặt máy để CSYT thực hiện các dịch vụ y tế.
Một số hãng cho, tặng máy xét nghiệm hệ đóng, nên cơ sở y tế phải mua vật tư hóa chất của hãng đó với giá không cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên
Một số hãng cho, tặng máy xét nghiệm hệ đóng, nên cơ sở y tế phải mua vật tư hóa chất của hãng đó với giá không cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hình thức này đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Kết thúc hợp đồng, nhiều cơ sở y tế lúng túng

Theo Bộ Y tế, hình thức nhà thầu trúng thầu VTHC đặt máy để CSYT sử dụng thực hiện các dịch vụ y tế có nhiều ưu điểm. Đó là CSYT không phải đầu tư máy mà vẫn có máy để thực hiện các dịch vụ và phát triển kỹ thuật. Trong khi đó, các xét nghiệm đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Giá VTHC theo kết quả đấu thầu hiện không có sự phân biệt giữa giá VTHC mua cho máy của nhà thầu trúng thầu đặt tại CSYT hay mua cho CSYT đã có máy. Nhà thầu trúng thầu đặt máy không thu phí sử dụng máy, tự chi trả chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy, chỉ thu tiền bán VTHC theo kết quả đấu thầu.

Với những ưu điểm đó, các CSYT thường không xây dựng đề án liên doanh, liên kết, mà ký hợp đồng thuê/mượn máy hoặc ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu VTHC để đặt máy tại CSYT.

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại rằng, CSYT không có máy xét nghiệm thì không thể đấu thầu VTHC để nhà thầu trúng thầu  mang máy đến đặt. Mặt khác, thực tế có tình trạng một số hãng cho, tặng máy xét nghiệm hệ đóng cho CSYT dẫn đến khi CSYT đấu thầu VTHC thì buộc phải mua VTHC của chính hãng đó với giá không có tính cạnh tranh.

Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 8/2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thống nhất thanh toán chi phí khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế cho các dịch vụ kỹ thuật thực hiện theo kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) và hợp đồng đã ký. Sau khi kết thúc hợp đồng, nếu các CSYT vẫn tiếp tục thực hiện thì phải tuân thủ quy định của Chính phủ tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, trong đó có quy định về liên doanh, liên kết hoặc thuê máy. Đến nay, nhiều hợp đồng đã hết hạn, khiến các CSYT lúng túng trong việc thực hiện, nếu không tiếp tục cho đặt máy thì không có máy để xét nghiệm. Nếu tiếp tục cho đặt máy thì lại gặp khó khăn trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Một số địa phương tổ chức đấu thầu tập trung còn phát sinh tình huống loại VTHC trúng thầu không phù hợp với máy của CSYT đã có, dẫn đến không có VTHC để thực hiện các xét nghiệm. Cho nên, mặc dù đã có máy, nhưng một số CSYT vẫn phải đặt máy khác để thực hiện các xét nghiệm.

Rà soát, kiểm định cơ sở y tế được cho hoặc tặng máy xét nghiệm

Liên quan đến máy xét nghiệm, Bộ Y tế vừa đề xuất một số cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu để bổ sung quy định về hình thức thuê máy và mua VTHC xét nghiệm tại các CSYT. Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cần có hướng dẫn cho các CSYT thực hiện một cách thống nhất.

Trước mắt, Bộ Y tế đề xuất, khi mua VTHC để thực hiện các xét nghiệm chỉ có duy nhất máy hệ đóng của một nhà sản xuất, phải sử  dụng VTHC của chính hãng, thì hồ sơ mời thầu (HSMT) phải nêu rõ và yêu cầu các nhà cung cấp khi chào giá dự thầu phải chào rõ giá VTHC để làm cơ sở đánh giá, phê duyệt kết quả LCNT đối với đơn vị có máy và đơn vị phải thuê máy. Trường hợp thuê máy, thời gian thực hiện là từ 3 - 5 năm, thanh toán theo thực tế sử dụng từng năm.

Còn về lâu dài, cần cho phép áp dụng hình thức đàm phán giá đối với VTHC để thực hiện các xét nghiệm chỉ có duy nhất máy hệ đóng của một nhà sản xuất, phải sử dụng VTHC của chính hãng.

Đối với VTHC để thực hiện các xét nghiệm mà có nhiều loại máy đều thực hiện được, Bộ Y tế đề nghị là cho phép thực hiện đấu thầu cả chi phí thuê máy và chi phí mua VTHC trong một gói thầu.

Trường hợp đấu thầu tập trung VTHC xét nghiệm cho cả CSYT đã có máy và CSYT phải thuê máy, theo Bộ Y tế, HSMT phải ghi rõ và yêu cầu nhà thầu chào rõ giá trị gói thầu, bao gồm giá VTHC và chi phí thuê máy...

Đối với gói thầu gồm cả thuê máy và mua VTHC, thời gian thực hiện hợp đồng không được quá 5 năm (bao gồm cả thời gian thực hiện gói thầu cũ và gia hạn).

Riêng đối với CSYT đã được cho hoặc tặng máy xét nghiệm, Bộ Y tế cho rằng, cần phải rà soát, kiểm định. Nếu máy sử dụng được, đáp ứng cho công tác xét nghiệm, thì phải làm thủ tục để xác lập quyền sở hữu theo quy định.

Tin cùng chuyên mục