Khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái phải đáp ứng nhiều điều kiện và tiêu chí xanh, sạch trong sản xuất. Ảnh: Song Lê |
Theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, KCN sinh thái và DN sinh thái phải đáp ứng các tiêu chí xanh, sạch trong sản xuất như: sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội. Đảm bảo diện tích đất cho cây xanh và hạ tầng dùng chung đạt 25%; có nhà ở và công trình tiện ích cho người lao động; có cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra sản xuất để giảm phát thải, có trách nhiệm xã hội với cộng đồng...
Cả nước hiện có 4 KCN sinh thái thí điểm gồm: KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình; KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng; KCN Trà Nóc 1 và 2 tại Cần Thơ. 72 DN tại các KCN này đã thực hiện trên 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm cho DN trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp; giảm tiêu thụ trên 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước sạch, giảm gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải...
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với mức phát thải được thí điểm tại 4 KCN sinh thái nói trên, nếu nhân rộng mô hình KCN sinh thái (10 DN sinh thái/1 KCN) áp dụng với khoảng 300 KCN đang hoạt động trên cả nước sẽ giảm phát thải khoảng 3 triệu tấn khí CO2/năm, đóng góp khoảng 4% vào tổng lượng giảm phát thải 83,3 triệu tấn CO2 theo cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) của Việt Nam đến năm 2030.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, các quốc gia trên thế giới đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho KCN sinh thái và DN sinh thái từ ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, Hàn Quốc hỗ trợ 75% chi phí đầu tư để phát triển KCN sinh thái. Trong giai đoạn 2012 - 2017, Hàn Quốc đã hỗ trợ 100 triệu USD từ ngân sách nhà nước cho 47 dự án KCN sinh thái. Trung Quốc, Nhật Bản cũng có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho KCN sinh thái thông qua ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và đổi mới công nghệ giảm tác động đến môi trường, xây dựng hạ tầng cho mạng lưới cộng sinh, hỗ trợ kinh phí tái chế, tái sử dụng chất thải... Từ năm 2005 đến nay, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã hỗ trợ 12 quốc gia với tổng số 46 KCN chuyển đổi, trong đó có Việt Nam; Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ một số hoạt động về KCN sinh thái tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, so với KCN và DN thông thường, KCN sinh thái và DN sinh thái phải đáp ứng nhiều điều kiện và tiêu chí khắt khe về kinh tế, môi trường, xã hội, trong khi đó, các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái chỉ được hưởng ưu đãi tương tự như các dự án trong KCN thông thường; KCN sinh thái hưởng ưu đãi theo địa bàn ưu đãi đầu tư tương tự như KCN thông thường. Luật Thuế thu nhập DN cũng không có thêm ưu đãi về thuế và miễn, giảm thuế đối với các KCN sinh thái, DN sinh thái.
Với những tác động tích cực về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng chất thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, KCN sinh thái và DN sinh thái cần được hỗ trợ thêm thông qua các ưu đãi về thuế, tài chính.
Do đó, Bộ KH&ĐT đề xuất sớm bổ sung DN sinh thái hoạt động tại KCN sinh thái vào đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư. Việc hỗ trợ và có thêm chính sách ưu đãi đầu tư đối với KCN sinh thái, DN sinh thái sẽ khuyến khích phát triển các mô hình này với vai trò là động lực tăng trưởng bền vững của khu vực sản xuất công nghiệp, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững, chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ mới 2021 - 2030, ứng phó với biến đổi khí hậu.