Bất động sản khu công nghiệp là phân khúc duy trì được xu hướng tăng trưởng ổn định bất chấp những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên |
Trước ảnh hưởng toàn cầu của dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, nhờ đó, ngành BĐS KCN đang đứng trước thời cơ mới khi làn sóng dịch chuyển nhà máy hướng về Việt Nam.
Với vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện trong khu vực, Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Một số báo cáo cho thấy BĐS KCN là phân khúc duy trì được xu hướng tăng trưởng ổn định bất chấp những tác động của đại dịch. Đây được xem là dấu hiệu tích cực sẵn sàng đón đầu xu hướng chuyển dịch sản xuất đến Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp BĐS KCN vẫn ghi nhận tăng trưởng so với thời điểm đầu năm - thời điểm chưa công bố dịch. Đơn cử như giá cổ phiếu của Công ty CP Cao su Phước Hòa vẫn tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm, từ vùng giá 38.000 đồng/cổ phiếu lên quanh mức 55.000 đồng/cổ phiếu, và được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng.
Mảng cao su đi xuống nhiều năm nay được cho là động lực chính khiến Cao su Phước Hòa phải chuyển hướng phát triển KCN. Nguồn lợi nhuận chính của Công ty đến từ khoản tiền hỗ trợ đền bù nhận từ Công ty KCN Nam Tân Uyên và VSIP liên quan hoạt động chuyển giao KCN.
Bên cạnh đó, Công ty thực hiện đầu tư BĐS KCN qua công ty con là Công ty KCN Tân Bình.
Báo cáo tài chính quý III/2020 của Phước Hòa cho biết, dù ghi nhận doanh thu 9 tháng giảm 23% so với cùng kỳ 2019, Công ty vẫn báo lãi tăng trưởng, đạt 725,1 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ 2019). Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc ghi nhận thêm tiền đền bù đất khu Dự án KCN Nam Tân Uyên hơn 500 tỷ đồng.
Công ty CP Long Hậu ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tốt trong 9 tháng, đạt 460 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ 2019. Chủ đầu tư Dự án KCN Nhơn Trạch 2 tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (diện tích 331 ha) ghi nhận lãi ròng 134,3 tỷ đồng, tăng 37,6% cùng kỳ năm ngoái.
Không ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng như Cao su Phước Hòa, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Công ty CP Sonadezi Long Thành ổn định với doanh thu 264 tỷ đồng và lãi ròng 73 tỷ đồng.
Sonadezi Long Thành là chủ đầu tư các dự án KCN như: KCN Long Thành, KCN Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư vào nhiều dự án BĐS, bao gồm: Khu dân cư Tam An 1, Khu đô thị Sona Riverview, Khu dân cư 3 ha (đổi đất giữa Công ty và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai).
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Sonadezi Long Thành cũng cẩn trọng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu hơn 409 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận sau thuế 87 tỷ đồng, giảm 16% so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, Công ty vẫn đặt mục tiêu tỷ lệ chi trả cổ tức như năm 2019 - ở mức 25%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Sonadezi Long Thành đang giao dịch quanh mức giá 46.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 10% kể từ đầu năm.
Một doanh nghiệp gây chú ý trên thị trường chứng khoán trong những tháng đầu năm là Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Năm 2019, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.306,6 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với năm 2018. Tương tự, lãi ròng của Tân Tạo tăng gấp đôi, đạt mức 203 tỷ đồng. Mức lãi này cao gấp 2,5 lần so với năm 2018 và cũng là kết quả cao nhất mà Tân Tạo đạt được kể từ năm 2011.
Ngay trong đợt dịch Covid-19 đang diễn ra trong nước, Tân Tạo vẫn tự tin đưa ra kế hoạch lợi nhuận ròng 2020 tăng trưởng 31,5% lên 271 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý III/2020 cho biết, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 282 tỷ đồng, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 112,6 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Với kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu Tân Tạo đã tăng gấp 1,6 lần so với thời điểm đầu năm, hiện đang giao dịch quanh vùng giá 4.700 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ có Cao su Phước Hòa, một vài doanh nghiệp BĐS KCN đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020 với kết quả kinh doanh 9 tháng tích cực.
Theo báo cáo của CBRE, các khu công nghiệp ở các tỉnh xa vùng kinh tế, như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh ở phía Bắc và Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Đây là các địa phương có quỹ đất dồi dào với tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, giá thuê đất ở các tỉnh xa vùng kinh tế chỉ khoảng 50 - 150 USD/m2/kỳ thuê, thấp hơn so với mức giá 60 - 300 USD/m2/kỳ thuê ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế.
Thêm nữa, các tỉnh xa vùng kinh tế mà có kết cấu hạ tầng phát triển, đặc biệt là hệ thống cảng và đường cao tốc, sẽ có tốc độ tăng trưởng cho thuê KCN tốt hơn các tỉnh xa vùng kinh tế khác và các tỉnh thuộc vùng kinh tế.