Ảnh minh họa internet |
Quyết định số 422/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung mục tiêu về năng lực và kết cấu hạ tầng của hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030.
Cụ thể, về năng lực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 - 1.494 triệu tấn (trong đó, hàng container từ 46,3 - 54,3 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 17,4 - 18,8 triệu lượt khách.
Về kết cấu hạ tầng sẽ ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP.HCM). Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo.
Đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 - 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 - 1,3 %/năm.
Quyết định số 422/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung quy hoạch các nhóm cảng biển, cảng biển và khu bến cảng với Nhóm cảng biển số 1 (gồm 5 cảng biển: cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định và cảng biển Ninh Bình). Đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 322 - 384 triệu tấn (hàng container từ 13 - 16 triệu TEU); hành khách từ 281 - 302 nghìn lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,0 - 5,3 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,5 - 1,6%/năm. Hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Lân và di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển TP. Hải Phòng; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, Cẩm Phả, Hải Hà.
Nhóm cảng biển số 2 gồm 6 cảng biển: cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị và cảng biển Thừa Thiên Huế.
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 182 - 251 triệu tấn (hàng container từ 0,4 - 0,6 triệu TEU); hành khách từ 374 - 401 nghìn lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,4 - 0,5%/năm. Hoàn thiện đầu tư, phát triển cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi, Vũng Áng và Sơn Dương - Hòn La.
Nhóm cảng biển số 3 gồm 8 cảng biển: cảng biển Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Phú Yên, cảng biển Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), cảng biển Ninh Thuận và cảng biển Bình Thuận.
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 160 - 187 triệu tấn (hàng container đạt từ 2,5 - 3,1 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 3,4 - 3,9 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 - 5,5 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,7 - 1,8%/năm. Hoàn thành đầu tư toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và hình thành cảng phục vụ hàng hóa trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa).
Nhóm cảng biển số 4 gồm 5 cảng biển: cảng biển TP.HCM, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An.
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 500 - 564 triệu tấn (hàng container từ 29 - 33 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 2,8 - 3,1 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 - 3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 - 1,0%/năm. Hoàn thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ, tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP.HCM để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép (bao gồm khu bến Cái Mép và Cần Giờ), hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM.
Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng biển: cảng biển Cần Thơ, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Bến Tre, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Cà Mau, cảng biển Bạc Liêu và cảng biển Kiên Giang.
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 86 - 108 triệu tấn (hàng container từ 1,3 - 1,8 triệu TEU); hành khách từ 10,5 - 11,2 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 - 6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 - 1,25%; hình thành cảng cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.