Điều hành chính sách tiền tệ: Nhiều giải pháp “hồi sức” doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu cách thức giãn, hoãn, cơ cấu nợ cho một số doanh nghiệp. Đồng thời, trong điều kiện lạm phát giảm áp lực, có thể sẽ tính đến việc giảm lãi suất điều hành để tạo thuận lợi hạ mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế.
Tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi
Tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi

Tối thiểu 24 ngân hàng đã giảm lãi suất

Số liệu thống kê mới nhất từ NHNN cho biết, tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng được 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, tín dụng tăng thấp có lý do chủ quan và khách quan. Về chủ quan, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, lượng tồn kho lớn, sản xuất ngưng trệ nên nhu cầu vốn giảm. Về khách quan, sau Tết âm lịch là giai đoạn thấp điểm của giải ngân vốn tín dụng. “Hiện nay, nguồn vốn tín dụng trong hệ thống ngân hàng rất dồi dào. Các ngân hàng đều dư dả hạn mức tín dụng, song nhu cầu thực tế của nền kinh tế vẫn yếu. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong thời gian tới”, ông Tú nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, sức ép lạm phát đã giảm, tỷ giá USD/VND ổn định, NHNN có thể tính đến việc giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn với chi phí hợp lý trong bối cảnh khó khăn.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm: “Cần cố gắng hạ mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, nếu giảm nhanh quá sẽ dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới, tác động bất lợi đến tỷ giá USD/VND và càng khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Trả lời câu hỏi của Báo Đấu thầu về khả năng giảm lãi suất, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, NHNN đã có động thái đón đầu xu hướng giảm đà thắt chặt tiền tệ của thế giới qua việc hạ lãi suất điều hành ngày 16/3/2023, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Đến nay, tối thiểu có 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động.

Về định hướng thời gian tới, ông Quang phân tích, tăng trưởng kinh tế quý I ở mức yếu, nhưng đáng mừng là lạm phát giữ ổn định và nhiều khả năng đạt mục tiêu dưới 4,5% cho cả năm 2023. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để xem xét giảm lãi suất điều hành.

“Hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế suy giảm tăng trưởng. Đây là lý do khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong quý I dù thanh khoản hệ thống rất dồi dào. Hiện nay, lạm phát đang có diễn biến thuận lợi, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng giảm đà thắt chặt tiền tệ là điều kiện để xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Khi điều kiện kinh tế chín muồi, Vụ Chính sách tiền tệ sẽ tham mưu NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Quang cho biết.

Tính việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Bên cạnh câu chuyện lãi suất, một thông tin tích cực với thị trường là NHNN đang tính đến việc cho phép giãn, hoãn nợ với doanh nghiệp để hỗ trợ phục hồi trong thời gian tới.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, căn cứ vào những khó khăn thực tế tác động đến doanh nghiệp, NHNN đang trình Chính phủ ban hành nghị quyết và tiếp đó NHNN sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện.

“Việc giãn, hoãn nợ là cần thiết, nhưng chính sách này còn phụ thuộc vào ngành nghề, đối tượng. Có thể với doanh nghiệp này thỏa đáng, nhưng doanh nghiệp khác thì không. Tuy nhiên, sẽ xem xét theo đối tượng, ngành nghề để có mức độ hỗ trợ phù hợp, vừa bảo đảm an toàn hệ thống, vừa không để tình trạng che giấu nợ xấu, ảnh hưởng bất lợi đến công tác điều hành và thực trạng chung của nền kinh tế”, ông Tú nhấn mạnh.

Việc giãn, hoãn và cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp là một trong những nội dung thuộc chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP năm 2023 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc thực thi phải chọn lọc và cân nhắc đối tượng được giãn, hoãn, cơ cấu nợ để đạt hiệu quả, tránh làm đại trà. Lựa chọn theo định hướng tạo thêm điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, còn những doanh nghiệp cận kề phá sản thì cơ cấu nợ cũng vô nghĩa và có thể làm tăng thêm nợ xấu, thêm áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cho phép giãn, hoãn nợ có thể khiến con số nợ xấu tăng cao. Điều này cần lưu ý khi nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu, tốc độ tăng trưởng GDP quý I giảm đáng kể, sức khỏe của nhiều doanh nghiệp đang có vấn đề, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều sụt giảm. Dù vậy, đây là giải pháp tình thế cần thiết áp dụng và có thể mang lại hiệu quả trong ngắn hạn.

Tin cùng chuyên mục