Việc thẩm định giá sách giáo khoa có thể có rủi ro về đạo đức, dẫn đến giá thẩm định ở mức cao, gây thiệt hại cho người dân. Ảnh: My Anh |
Thực hiện việc đổi mới chương trình SGK phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục thống nhất. Theo đó, các tác giả, nhà xuất bản (NXB) dựa vào chương trình để viết SGK. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi, thẩm định nội dung để chọn ra một số bộ SGK có nội dung hay và sát với chương trình nhất.
Sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, các tác giả, NXB sẽ tổ chức in ấn, phát hành. Giám đốc Sở, hiệu trưởng các trường, hoặc giáo viên, phụ huynh, học sinh được quyền tự chọn một bộ sách thích hợp trong số những bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nội dung.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 3 bản kê khai giá SGK của 3 NXB, trong đó tiếp nhận văn bản kê khai giá bao gồm: bảng kê khai mức giá, bảng xây dựng hình thành mức giá bán SGK. Việc kê khai giá được thực hiện theo quy định tại Luật Giá, trong đó SGK thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Như vậy, thay vì trước đây chỉ có NXB Giáo dục được quyền xuất bản SGK thì nay có 3 NXB thực hiện cung ứng SGK ra thị trường. Đó là: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM.
Tuy nhiên, so với SGK của các năm học trước, những bộ SGK mới này có giá cao hơn đáng kể, có bộ cao gấp 3 lần và gây nhiều ý kiến trái chiều.
Trước thực tế đó, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.
Bộ Tài chính cho rằng, việc điều tiết giá theo quy định đó giúp cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét phương án giá của các NXB đề xuất, rà soát tính hợp lý, hợp lệ của từng yếu tố cấu thành giá SGK; tính toán hài hòa lợi ích của các NXB và khả năng chi trả của đối tượng sử dụng để ban hành giá tối đa cho 1 bộ sách để thực hiện chung.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc quy định giá trần với mặt hàng này là khó khả thi trong điều kiện của Việt Nam, bởi nguồn lực thẩm định để đưa ra giá trần là hạn chế. “Có rất nhiều môn học, nhiều bậc học, việc biên soạn sách đòi hỏi đầu tư chất xám và nguồn lực tốt để tạo nền tảng cho học sinh. Do đó, việc thẩm định giá là khó khả thi, chưa kể có thể có rủi ro về đạo đức dẫn đến giá thẩm định ở mức cao, gây thiệt hại cho người dân”, ông Long nói.
Theo vị chuyên gia này, trong điều kiện về mức sống của người dân Việt Nam hiện nay, Nhà nước vẫn nên hỗ trợ người dân một phần trong chi phí SGK, bởi đây là bậc học cần được thúc đẩy phát triển rộng khắp. Theo đó, Nhà nước nên lập hội đồng nghiên cứu và thẩm định để xây dựng bộ SGK chuẩn và giữ bản quyền bộ SGK đó. Sau đó, cho các NXB hoặc nhà in đấu thầu để có giá bán hợp lý nhất.
“Như vậy, giá bán SGK chỉ bao gồm chi phí in ấn là chủ yếu, nên dễ đánh giá và lựa chọn đơn vị cung ứng tốt nhất và chắc chắn rẻ hơn đáng kể giá bán đã được các NXB công bố”, ông Long nói.