Trong 9 tháng qua, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá. Ảnh: Lê Tiên |
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá, như: tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; tín dụng với công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.
Về triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã đạt được một số kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu đang giảm dần. Theo đó, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.
Thông tin về hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ: “Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đánh giá công tác điều hành lãi suất, tỷ giá từ đầu năm đến nay là hết sức hợp lý”.
Trước xu thế các nước giảm giá đồng nội tệ nhưng VND vẫn giữ giá khá ổn định, ông Tú cho rằng, với Việt Nam, việc điều hành tỷ giá còn phải tính toán tổng thể các chỉ tiêu cân đối chung của nền kinh tế như nợ nước ngoài, cán cân vãng lai để có lợi nhất cho mục tiêu vĩ mô.
“Đã có quan điểm cho rằng nên giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu khi tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại so với các năm trước. Tuy nhiên, đà tăng xuất khẩu chậm lại không hẳn do VND mà do tác động chung của kinh tế thế giới. Mặt khác, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam cũng rất khác biệt bởi vì nhiều doanh nghiệp của chúng ta nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Về lý thuyết, giảm giá VND sẽ hỗ trợ xuất khẩu, nhưng trong thực tiễn còn phải tính toán chi li nhiều góc độ khác nhau để mang lại lợi ích cao nhất”, ông Tú nói.
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành, phát đi tín hiệu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. “Lãi suất là bài toán rất khó trong điều hành chính sách vĩ mô hiện nay, làm sao để hài hòa, đảm bảo các yếu tố vĩ mô, đồng thời hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất cho vay”, ông Tú phân tích.
Trước xu thế tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, ông Tú cho biết, quý IV thường là quý giải ngân nhiều nên tốc độ tăng trưởng cuối năm sẽ rất nhanh. Do đó, mức tăng trưởng 14% cả năm là có thể đạt được hoặc thấp hơn một chút. Ông Tú khẳng định: “Việc điều hành lãi suất luôn nhằm mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát và ổn định các chỉ tiêu vĩ mô”.
Liên quan đến hoạt động tái cơ cấu các TCTD, quá trình này sẽ bước vào giai đoạn 2 kể từ năm 2021. Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tái cơ cấu của toàn ngành ngân hàng đang đi đúng hướng. Đến nay, đã có 11 ngân hàng đạt chuẩn Basel II.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để đôn đốc, đẩy mạnh giúp các ngân hàng khác đạt tiêu chuẩn Basel II, đồng thời xử lý nợ xấu hiệu quả dù vẫn còn thách thức về các điều kiện xử lý tài sản bảo đảm, khách nợ chây ì”, ông Tú nhấn mạnh.