Đo mức ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc giảm tốc

(BĐT) - Nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới - Trung Quốc đã giảm tốc trong 3 năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong những năm tới
Lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn. Ảnh: P. Tuấn
Lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn. Ảnh: P. Tuấn

Nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới - Trung Quốc đã giảm tốc trong 3 năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong những năm tới, sẽ kéo theo nhiều nền kinh tế khác cũng giảm tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là khu vực ASEAN do các quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào thương mại với thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Xuất, nhập khẩu với Trung Quốc ngày càng gia tăng

Mới đây, Ngân hàng ANZ đã đưa ra một bản báo cáo đánh giá, cứ tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Philippines giảm 0,2%; Indonesia giảm 0,3%, Thái Lan giảm 0,4%; Malaysia là 0,5%.

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào kim ngạch xuất, nhập khẩu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nền kinh tế trong khu vực ASEAN khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc thì có lẽ Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn, chứ không chỉ giảm 0,2 điểm phần trăm như nhận định của ANZ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 162,4 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2014, không đạt mục tiêu đặt ra là tăng 10% và đạt mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây (năm 2010 tăng 26,5%; năm 2011 tăng 34,2%; năm 2012 tăng 18,2%; năm 2013 tăng 15,3%; năm 2014 tăng 13,8%), trong khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc vẫn tăng 13,7% và đạt kim ngạch 17 tỷ USD, chiếm gần 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc vẫn giữ thế “thượng phong” trong số các nước xuất khẩu vào Việt Nam. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014 thì Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc 49,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm trước, và chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. 

Nói nhiều, bàn nhiều nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu

Tỷ trọng kim ngạch cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng tăng, trong khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốcchắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với tính toán của ANZ, bởi bên cạnh hoạt động thương mại chính thức, hai quốc gia này còn có hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch vô cùng lớn.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lo ngại cán cân thương mại hai chiều Việt - Trung ngày càng lệch về phương Bắc. “Việc mất cân đối rất lớn trong giao dịch thương mại với Trung Quốc là vì chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng chưa có một giải pháp hữu hiệu thật sự”, ông Tín nhấn mạnh.

Tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư với Trung Quốc là một lợi thế đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam do chúng ta có đường biên giới kéo dài hàng ngàn km
Thực tế, những số liệu nêu trên mới chỉ là con số xuất, nhập khẩu chính ngạch, còn lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu tiểu ngạch(không phải là hàng xuất, nhập khẩu lậu, trốn thuế) vẫn chưa được thống kê. Đó là chưa kể thương mại hai chiều Việt - Trung còn lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lậu cũng vô cùng lớn mà không thể thống kê được. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng dẫn chứng, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo thì xuất sang thị trường Trung Quốc 2,5 triệu tấn theo đường tiểu ngạch, chiếm hơn 30% tổng khối lượng gạo xuất khẩu. Năm 2015, do Trung Quốc được mùa nên giảm mạnh việc nhập khẩu gạo đã khiến nông nghiệp Việt Nam gặp khó khăn.

Bên cạnh mặt hàng gạo, hàng loạt hàng nông sản khác, đặc biệt là mặt hàng cao su cũng gặp hoàn cảnh tương tự khi Trung Quốc giảm nhập khẩu. “Trước đây khi Trung Quốc nhập khẩu cao su mạnh, mặt hàng này có giá từ 120-130 triệu đồng/tấn, hiện nay chỉ còn 25-30 triệu đồng/tấn nên không chỉ hàng loạt doanh nghiệp trồng, chế biến cao su gặp khó khăn mà thu ngân sách của địa phương cũng gặp khó khăn không kém”, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Phước - thủ phủ của cây cao su chia sẻ. 

Gần Trung Quốc là một lợi thế

“Chúng ta lo ngại nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, lo ngại sự biến động của kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Chúng ta đang hướng sang các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, TPP… nhưng đừng quên rằng, bên cạnh chúng ta là Trung Quốc, một thị trường xuất, nhập khẩu khổng lồ chính là lợi thế”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư với Trung Quốc là một lợi thế đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam do chúng ta có đường biên giới kéo dài hàng ngàn km với nước bạn. Cùng với việc tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư với các thị trường thương mại tự do mới, doanh nghiệp đừng quên thị trường 1,4 tỷ dân nằm ngay bên cạnh mà không quá khó tính.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới ngày càng thông thoáng hơn, sâu rộng hơn, để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triểnthì Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cả vốn, công nghệ, quản trị để doanh nghiệp có thể vươn lên, kết nối với giá trị toàn cầu. “Doanh nghiệp cần phải quay về với giá trị nền tảng đó là củng cố năng lực quản trị, đầu tư bài bản, vươn tới chuẩn mực quốc tế, phải kết nối, học kết nối nhưng phải bám chắc vào thị trường trên 92 triệu dân - một thị trường vô cùng lớn thì không quá lo ngại tác động xấu một khi kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng như dự kiến”, ông Vũ Tiến Lộc khuyến cáo.