Doanh nghiệp hàng không “cất cánh” tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau chuỗi ngày dài chịu hậu quả của đại dịch Covid-19 cùng với giá nhiên liệu leo thang, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành hàng không trong quý I/2024 bắt đầu khởi sắc nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường vận tải.
Doanh thu thuần quý I/2024 của Vietnam Airlines đạt 27.964 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên
Doanh thu thuần quý I/2024 của Vietnam Airlines đạt 27.964 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên

Sau nhiều quý thua lỗ từ năm 2020, Vietnam Airlines lãi 4.528 tỷ đồng trong quý đầu năm 2024. Lợi nhuận tăng đột biến của Vietnam Airlines có được một phần nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác 3.634,7 tỷ đồng từ việc công ty con Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay. Tuy nhiên, tín hiệu tốt là doanh thu thuần của hãng bay này đạt mức cao kỷ lục 27.964 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vietnam Airlines cho biết, doanh thu tăng đột biến, cao hơn cả trước dịch, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 23,6% bởi thị trường vận tải phục hồi mạnh, Công ty đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa, hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác và mở thêm các đường bay mới. Công ty mẹ Vietnam Airlines và các công ty con kinh doanh đều có lãi.

Một ông lớn khác là Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý I/2024 đạt 17.791 tỷ đồng, tăng 38% so với dùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế tăng tới 178%, lên 676,4 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh khả quan của VietJet Air đến từ chiến lược tập trung mở rộng các đường bay quốc tế mới gồm Phú Quốc - Đài Bắc (Đài Loan), TP.HCM đi Thành Đô, Tây An (Trung Quốc), TP.HCM - Viêng Chăn (Lào) và các đường bay từ Hà Nội đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia). Vận tải hành khách quốc tế trong quý I/2024 của hãng bay này tăng hơn 53% và 61% về số lượng chuyến bay và lượt khách so với cùng kỳ 2023.

VietJet đặt kế hoạch năm 2024 vận chuyển 27,4 triệu lượt khách, doanh thu vận tải hàng không đạt 59.000 tỷ đồng, tăng 10%, doanh thu hợp nhất dự kiến tăng 12,4% lên 65.566 tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2024 đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 78,38%.

Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), sau thời gian dài thua lỗ đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10,1 tỷ đồng trong quý I/2024, doanh thu đạt 491,2 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu của Công ty trong quý II/2024 là đạt doanh thu 1.049 tỷ đồng. Hãng hàng không này đã xây dựng kế hoạch bay hè 2024 với các điểm đến nổi tiếng trong nước như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, đồng thời mở rộng mạng bay charter quốc tế đến Thái Lan, Trung Quốc (bao gồm Đài Loan), Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua kế hoạch bay kết hợp cùng Vietravel.

Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024 cao kỷ lục (3.628 tỷ đồng), tăng 78,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 1/2024, ACV ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.660 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mảng cung cấp dịch vụ hàng không đóng góp 82%. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện, cứ 100 đồng doanh thu mang về gần 64 đồng lãi gộp.

Về phía các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận doanh thu đạt 680,5 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước thuế tăng 25%, đạt 56,3 tỷ đồng. Doanh thu Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco tăng 29%, lên 339,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 63,2%, lên 63 tỷ đồng. Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài ghi nhận 185,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 23,8%; lợi nhuận trước thuế tăng 12,7%, đạt 52,7 tỷ đồng. Công ty Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn lãi 168 tỷ đồng, tăng 30%….

Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp hàng không hưởng lợi từ lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang ghi nhận sự tăng trưởng so với mức trước dịch Covid-19.

Theo thông tin của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch, cho thấy sự phục hồi và phát triển rất tốt của thị trường du lịch Việt Nam. Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,6 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ hai, đạt 1,25 triệu lượt (chiếm 20%), tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ ba (418 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ tư (301 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ năm (235 nghìn lượt).

Báo cáo mới đây của Công ty CP Dịch vụ Sân bay quốc tế Cam Ranh cho biết, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến lượng khách nội địa đi máy bay năm 2024 là 38,5 triệu lượt người, giảm 10,5% so với năm 2023. Trong khi đó khách quốc tế dự kiến tăng 30,6%.

Tin cùng chuyên mục