Thu nhập bình quân của các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là khoảng 30 - 50 triệu đồng/tháng. Ảnh: Nam Việt |
Trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dẫn đầu với mức lương bình quân ước đạt 7,04 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp FDI đạt 5,47 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp tư nhân đứng cuối bảng với mức lương 4,99 triệu đồng/tháng.
Tương đối cao so với mức sống bình quân
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh thu nhập của lao động khu vực nhà nước với mức GDP bình quân đầu người năm 2015 của Việt Nam là gần 46 triệu đồng/người/năm, tương 3,75 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, có thể căn cứ vào con số này để đánh giá rằng, thu nhập bình quân của lao động khối DNNN không hề thấp.
Với đặc điểm số lượng lao động lớn, lên tới con số hàng chục nghìn người, các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải trích quỹ lương khổng lồ mỗi năm. Mặc dù lao động đa dạng về trình độ chuyên môn, thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp ngành điện không vì vậy mà bị lép vế.
Tổng công ty Điện lực Miền Trung có tổng số lao động lên tới 10.719 người. Hàng năm, đơn vị này trích tới 1.352 tỷ đồng cho quỹ tiền lương của Tổng công ty. Ngoài ra, do đặc thù ngành điện, lao động của Điện lực Miền Trung còn được hưởng 128,6 tỷ đồng quỹ tiền thưởng an toàn điện. Thu nhập bình quân lao động của tổng công ty này đạt 11,5 triệu đồng/tháng. Lãnh đạo Tổng công ty thu nhập bình quân 35 triệu đồng/tháng.
Được biết, năm 2015, Điện lực Miền Trung lãi ròng 541 tỷ đồng, tăng 56,8% so với kết quả thực hiện năm 2014. Đạt mức tăng trưởng khá cao, tuy nhiên nếu so với vốn điều lệ khổng lồ (7.195 tỷ đồng vào cuối năm 2015), lợi nhuận của Tổng công ty không phải là kết quả quá cao.
Cũng trong ngành điện, sử dụng ít lao động hơn là các Tổng công ty Phát điện 1, 2 và 3 (Genco 1, Genco 2 và Genco 3). Theo số liệu chúng tôi thu thập được, Genco 3 là công ty trả lương tương đối cao với 21,4 triệu đồng/tháng dành cho người lao động và 46,6 triệu đồng/tháng đối với viên chức quản lý. Genco 2 hiện chưa có con số cập nhật, nhưng mức thu nhập của người lao động cũng như lãnh đạo nói chung năm 2014 cũng không tỏ ra thua kém, lần lượt đạt 18 triệu đồng/tháng và 43,6 triệu đồng/tháng. Genco 1 chưa công bố con số bình quân, nhưng năm 2015 tổng công ty này trích 160,2 tỷ đồng cho quỹ tiền lương người lao động (chưa bao gồm thưởng an toàn điện) và gần 4 tỷ đồng cho quản lý.
Với kết quả hoạt động kinh doanh khả quan, lợi nhuận hơn tới 34,4 nghìn tỷ đồng năm 2015, Viettel được đánh giá là một trong những DNNN trả lương cao nhất cho người lao động. Mức thu nhập bình quân ở tập đoàn này lên tới 30,5 triệu đồng/tháng. Hiện thu nhập lãnh đạo Viettel vẫn là một “ẩn số”.
Một số DNNN khác có mức thu nhập bình quân lao động ở mức khá cao là Vinachem (lao động 21,4 triệu đồng/tháng, lãnh đạo 54 triệu đồng/tháng), Vinalines (lao động 10,5 triệu đồng/tháng, lãnh đạo 29,7 triệu đồng/tháng), Tổng công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân (trực thuộc Cục Vật tư - Bộ Quốc phòng: lao động thu nhập gần 18 triệu đồng/tháng)…
Vẫn thấp so với lao động cấp cao
Theo thống kê của Navigos Search, mức lương cao nhất cho 1 vị trí quản lý mà tổ chức này tuyển dụng giúp các doanh nghiệp trong năm 2015 lên tới 225 triệu đồng/tháng. Mà đó chỉ là lương, chưa tính các phúc lợi khác. Con số trên khiến nhiều người mơ ước, cho dù doanh nghiệp tuyển dụng đến nay vẫn bí ẩn. Cũng phải nói thêm, hàng trăm triệu đồng lương mỗi tháng tại một số doanh nghiệp niêm yết, cũng không phải là hiếm hoi.
Trong khi đó, thu nhập lãnh đạo các DNNN khi được công bố, dù thấp hơn rất nhiều, lại thường bị công kích.
Sự khác nhau cơ bản là, trong khi các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải tự trang trải chi phí, tính toán thiệt hơn khi đưa ra mức lương khủng cho lãnh đạo, thì DNNN hầu hết trích quỹ lương theo định mức, quy định, không hiếm khi từ ngân sách, không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh.
Mức thu nhập công khai không quá cao, sức hấp dẫn của các vị trí quản lý tại DNNN vì thế vẫn mãi là câu chuyện nhạy cảm!