Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ế như... Quỹ bảo lãnh tín dụng
Tại Hội thảo “Mô hình và giải pháp phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM”, ông Hoàng Đình Thắng, Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) TP.HCM cho rằng, Quỹ BLTD ra đời đã giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không có tài sản thế chấp nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực, song theo đánh giá, Quỹ mới chỉ đáp ứng được một tỷ lệ rất nhỏ nhu cầu về vốn của các DNNVV tại TP.HCM, dù theo số liệu thống kê, doanh số cấp BLTD cho DNNVV tại Thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước.
Theo PGS. Hạ Thị Thiều Dao thuộc Đại học Ngân hàng TP.HCM, cả nước hiện có 23 Quỹ BLTD hoạt động và nơi nhiều nhất cũng chỉ bảo lãnh được 105 doanh nghiệp. Có thể nói, hoạt động của các quỹ BLTD cho các DNNVV hiện nay rất èo uột vì bị “trói” bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan khó giải quyết. “Yêu cầu khắt khe của quy định doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp cho khoản vay được bảo lãnh khiến không ít DNNVV “xóa” sự tồn tại của Quỹ BLTD khi tự biết mình không đáp ứng được yêu cầu này. Niềm tin của doanh nghiệp đối với các quỹ BLTD thực tế đã bị hao hụt quá lớn vì rất nhiều DNNVV không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn”, bà Thiều Dao nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Đình Thắng, sau gần 10 năm thành lập, tại TP.HCM, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được hình thức bảo lãnh này còn quá ít. Trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM, chỉ có 59 doanh nghiệp với 120 hợp đồng bảo lãnh ngân hàng được ký kết.
Gắn kết Hiệp hội Doanh nghiệp với Quỹ bảo lãnh tín dụng
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng chia sẻ, Quỹ BLTD cho DNNVV có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo việc làm, giúp tăng thu thuế cho ngân sách. Nếu không tạo điều kiện cho Quỹ BLTD hoạt động, tức là không tạo niềm tin để động viên, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, các ngân hàng muốn giữ vốn chứ không muốn chia sẻ với các quỹ BLTD để hỗ trợ DNNVV. Chính mối quan hệ quá lỏng lẻo giữa ngân hàng và các quỹ BLTD đang làm khó cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Trưởng đại diện khu vực phía Nam của Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân cho rằng, trong hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là sản xuất, tìm vốn, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng. Tại nhiều quốc gia, hiệp hội doanh nghiệp có thể là cơ quan bảo lãnh uy tín và trực tiếp nhất cho các doanh nghiệp khi tiếp cận quỹ BLTD. Bên cạnh đó, bản thân hiệp hội cũng có quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp vì chính họ là cơ quan nắm rõ nhất sức khỏe của từng doanh nghiệp thành viên.
Trong khi đó, theo đại diện Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM, hiện nay, 98% nguồn hoạt động của Quỹ BLTD đều từ ngân sách. Điều này khiến quy mô của các quỹ có xu hướng bị thu hẹp, tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp của Quỹ ngày càng giảm bởi nó liên quan đến quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà. “Quỹ BLTD cho các DNNVV cần được cả hệ thống chính trị xác định là sự ươm mầm cho khởi nghiệp quốc gia, khởi nghiệp của mọi doanh nghiệp. Ngân hàng phải tích cực tham gia vào Quỹ chứ không phải né tránh như hiện nay. Trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với khởi nghiệp doanh nghiệp cần phải được ràng buộc cụ thể hơn”. Đại diện Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM bày tỏ quan điểm, đồng thời khẳng định, phải phát huy rõ nét hơn nữa vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. Bởi sự hiểu biết sâu sắc về doanh nghiệp của hiệp hội sẽ là nguồn thông tin giá trị, uy tín để đảm bảo cho các quỹ BLTD sát cánh cùng doanh nghiệp.
Không một khảo sát nào về “sức khỏe” của doanh nghiệp chính xác bằng sự đánh giá của hiệp hội doanh nghiệp. Do đó, nếu các quỹ BLTD và ngân hàng có sự tham khảo từ hiệp hội, độ rủi ro khi cho doanh nghiệp vay sẽ được xác định rất đúng mực. Để Quỹ BLTD hoạt động hiệu quả, cần sớm ban hành cơ chế cho phép các hiệp hội và doanh nghiệp thành lập Quỹ.
Cho phép thành lập các quỹ BLTD bởi các hiệp hội và doanh nghiệp chính là cách để DNNVV tiếp cận vốn hiệu quả và nhanh nhất. Đây cũng là cách để hạn chế cơ chế xin cho, thiếu minh bạch trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.